Triển khai đồng bộ các chính sách
Với hơn 30.000 người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chủ yếu là người Mường (chiếm tới 96,7%), nhằm tạo điều kiện để đồng bào DTTS và vùng đồng bào DTTS phát huy lợi thế, tiềm năng vươn lên hội nhập, 5 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương kết hợp với chính sách đặc thù của tỉnh để phát triển tương đối toàn diện vùng đồng bào DTTS.
Theo đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch hướng tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng địa phương, từng dân tộc. HĐND tỉnh cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết quy định chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng yếu thế, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số như: Quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh; quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025.
Trong 5 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều chương trình, dự án, kế hoạch như: Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch về việc phối hợp xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Từng là một trong những địa phương nhiều khó khăn của huyện Nho Quan, những năm gần đây, xã Thạch Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đồng chí Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Thạch Bình đã được quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi và hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó đã góp phần quan trọng từng bước thay đổi tư duy phát triển kinh tế, tư duy xây dựng đời sống văn hóa của người dân. Các hủ tục trong việc lễ, việc tang được bài trừ, bản sắc văn hóa dân tộc Mường được gìn giữ và phát huy.
Năm 2020, Thạch Bình được UBND huyện Nho Quan công nhận đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; năm 2021, xã Thạch Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. “Có thể nói, các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và các chính sách của tỉnh đã tạo sức bật cho các xã có nhiều khó khăn như Thạch Bình vươn lên mạnh mẽ”-đồng chí Chủ tịch UBND xã Thạch Bình khẳng định.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động hơn 326 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, hàng trăm hộ dân đã được hỗ trợ khởi nghiệp, hàng chục công trình phục vụ sản xuất được cải tạo và hàng trăm lao động đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm…, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào DTTS tại địa phương.
Tạo “sức bật” cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Triển khai toàn diện và đồng bộ công tác dân tộc trong thời gian qua đã tạo “sức bật” cho vùng và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vươn lên mạnh mẽ. Hiện, 100% các xã vùng đồng bào DTTS của tỉnh có đường giao thông thuận lợi từ trung tâm xã đến các thôn, xóm, bản; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 90% dân số ở vùng đồng bào DTTS được sử dụng nước hợp vệ sinh. Bên cạnh việc đầu tư vào hạ tầng, sản xuất, tỉnh Ninh Bình đặc biệt chú trọng phát huy bản sắc văn hóa, đầu tư vào giáo dục, y tế, kết hợp với huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng DTTS, từ đó tạo môi trường sống tốt đẹp, nơi mà mọi người được tôn trọng và có cơ hội phát triển.
Chị Bùi Thị Ảnh, một trong những hộ làm kinh tế giỏi ở xã Quảng Lạc (Nho Quan) chia sẻ: Là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở Quảng Lạc, tôi thấu hiểu những khó khăn của đồng bào nơi đây. Trước kia, cuộc sống của người dân trong vùng chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chính là lúa, củ sắn, khoai, lại phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Song, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất về giống, cây con, tôi cũng như nhiều đồng bào Quảng Lạc đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và lựa chọn ngành nghề để làm giàu trên quê hương.
Theo đó, năm 2018, được sự trợ giúp của các cấp Hội Phụ nữ, chị đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động để trồng 1ha bí đỏ và thực hiện luân canh trồng cây hẹ. Đây là các loại cây trồng có năng suất và giá trị sản lượng cao, phù hợp với đồng đất ở Quảng Lạc. Các sản phẩm nông sản này đã được một số doanh nghiệp trong và ngoài địa phương thu mua, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Thành công này đã khích lệ chị và gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng trọt, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong bản.
Song song với việc phát triển kinh tế, chị Ảnh tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Năm 2022, chị là một trong những người sáng lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ thể thao dân tộc Mường thôn Quảng Cư. Các thành viên trong câu lạc bộ thường xuyên tập luyện, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của người Mường, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về văn hóa dân tộc Mường đến với du khách, bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Với bản tính cần cù, chịu khó, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh luôn gắn bó với quê hương, tích cực khai hoang, phục hóa những vùng đất khó, vươn lên giảm nghèo và làm giàu. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Ninh Bình đạt 63,96 triệu đồng/năm, tăng đáng kể so với những năm trước. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt 60 triệu đồng/năm, cho thấy sự cải thiện rõ rệt về chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm xuống còn 2,95%, giảm đáng kể so với những năm trước đó.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS, tỉnh Ninh Bình còn đặc biệt chú trọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cơ sở ngày càng sôi động với nhiều câu lạc bộ, đội nhóm được thành lập và duy trì hiệu quả, như: Các câu lạc bộ múa Sạp, Cồng chiêng, hát Đúm, Sắc bùa, hát giao duyên tiếng Mường… không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc.
Những thành tựu đạt được trong công tác dân tộc của tỉnh Ninh Bình là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS, cũng như sự nỗ lực vươn lên không ngừng của đồng bào. Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc. Kết quả này tạo tiền đề quan trọng để tỉnh Ninh Bình tiếp tục huy động các nguồn lực tập trung đầu tư, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực để đồng bào DTTS phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Mai Lan
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/quan-tam-cham-lo-doi-song-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so/d20241015202819554.htm