Mùa thu là lúc người dân ở xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan) bước vào vụ thu hoạch quả bùi – một thứ quà mà ai về mảnh đất này cũng muốn được một lần thưởng thức. Hơn bao giờ hết người dân nơi đây đang mong mỏi thức quả đồng rừng ấy sớm được công nhận là sản phẩm OCOP địa phương.
Đến Kỳ Phú vào mùa thu cũng là khi những hàng cây bùi (hay còn gọi là cây trám) bước vào mùa thu hoạch. Men theo con đường làng dẫn vào bản Ao, chúng tôi bắt gặp những cây bùi cổ thụ cao vút được người dân trồng vừa làm bóng mát, vừa lấy trái ăn. Trên những tán lá đầu cành lấp ló những chùm quả sai chi chít đang độ chín tới, bóng bẩy.
Cụ Đinh Thị Lan, năm nay đã hơn 80 tuổi ở bản Ao, xã Kỳ Phú nhớ lại: Trước Cách mạng Tháng Tám, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đời sống của người dân quê tôi vô cùng khổ cực. Hàng năm lương thực chỉ đủ ăn khoảng 1 đến 2 tháng, còn lại hoàn toàn phải dựa vào rừng núi để kiếm sống. Quả bùi khi đó vừa là quả ăn vặt, vừa là thức độn cùng ngô, khoai, sắn nuôi sống bao thế hệ. Giờ đây cứ vào ngày rằm, mồng một âm lịch, nhiều nhà đều có đĩa bùi đen dâng lên bàn thờ thắp hương tổ tiên. Nhà nào cầu kỳ hơn thì làm món xôi bùi hay gỏi bùi cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, no ấm đủ đầy. Hiện trong vườn của cụ Lan có khoảng 5 cây bùi có tuổi khoảng ba chục năm.
Những năm gần đây khi quả bùi Kỳ Lão được nhiều người sành ăn săn đón, cụ Lan còn có thêm một khoản thu nhập khá mỗi mùa bùi chín. Cụ cho biết: “Tùy từng năm, mỗi cây trám bùi có thể cho thu hái vài chục kg quả tươi. Mấy năm gần đây thương lái thu mua từ khoảng một trăm nghìn đồng/kg, ước tính 5 cây cũng cho thu nhập gần 20 triệu đồng”. Bùi có ở nhiều nơi nhưng chẳng phải ngẫu nhiên mà “bùi Kỳ Lão” lại nổi tiếng và được bán với giá cao đến vậy. Bởi nếu ai đã từng thưởng thức thứ quả dân dã này đều khó lòng quên được hương vị vừa bùi vừa ngọt thanh, để lại dư vị tan trên đầu lưỡi. Chính cái hương vị thơm ngậy lẫn bùi bùi đặc trưng khiến nhiều thực khách cứ đến mùa lại phải “săn đón” bằng được. Và đương nhiên, giá bán đặc sản này vì thế cũng cao hơn.
Theo những người dân trong vùng, bùi Kỳ Lão ngon có tiếng. Từ quả trám đen có thể chế biến ra thành nhiều món ăn ngon như: Bùi kho cá, kho thịt, bùi nhồi, xôi bùi, bùi sâm (bùi om)… Nhất là món cá kho bùi, khi ăn sẽ có vị bùi của bùi quyện với vị đậm của cá, ai đã thưởng thức một lần khó có thể quên.
Ông Đinh Văn Hường, Giám đốc HTX bùi Kỳ Lão thông tin: Toàn xã hiện có hơn 200 cây bùi đen địa phương, cây bùi xanh có số lượng ít hơn, tập trung ở các nhà dân bản Cả, bản Sau, bản Ao, bản Mét, bản Ao Lươn. Ngoài ra, HTX đang chăm sóc hơn 10 ha cây bùi giống do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ trồng năm 2018.
Qua 5 năm chăm sóc, đến nay, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nhiều cây đã bắt đầu bói quả, góp phần bảo tồn và phát triển giống cây bản địa. Đồng thời cung cấp một lượng lớn quả bùi trong thời gian tới nhằm phục vụ nhu cầu thị trường. Vụ năm nay, do tình hình thời tiết không thuận lợi, nên số lượng quả ít hơn. Tất nhiên nguồn cung hạn chế khiến giá bán cũng cao hơn. Một số thương lái đang thu mua với giá khoảng 150 nghìn đồng/kg nên bà con khá phấn khởi. Tuy nhiên, đây cũng là điều mà vị Giám đốc HTX rất trăn trở.
Ông Hường cho hay: “Quả bùi Kỳ Lão là đặc sản được nhiều người tiêu dùng yêu thích, tuy nhiên hiện nay việc tiêu thụ quả trám bùi vẫn không nằm ngoài câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Chính vì vậy, việc xây dựng bùi Kỳ Lão trở thành sản phẩm OCOP là điều mà nhiều người dân nơi đây mong đợi”.
Theo ông Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nho Quan: Cùng với nếp cau Thường Sung thì quả bùi Kỳ Lão là sản phẩm nông sản nhiều tiềm năng để xã Kỳ Phú xây dựng thành sản phẩm OCOP. Hiện phòng đang tích cực vận động người dân trồng và chăm sóc diện tích cây trám bùi. Đồng thời có những hướng dẫn cụ thể để địa phương sớm xây dựng hồ sơ xét duyệt cho sản phẩm bùi Kỳ Lão. Hy vọng với những nỗ lực trong bảo tồn và phát triển nông sản quê hương, sản phẩm bùi Kỳ Lão sẽ sớm được “gắn sao gắn số”, trở thành sản phẩm OCOP đặc sắc của miền quê Kỳ Phú. Nếu xây dựng thành công sẽ giúp sản phẩm bùi Kỳ Lão được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn nữa. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi và gìn giữ các đặc sản nông sản quê hương.
Bài, ảnh: Minh Hải