Sáng 22/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Dự tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh và một số sở, ngành có liên quan.
Trong phiên họp, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát. Các ĐBQH tham dự đã đặt nhiều câu hỏi đề nghị thông tin về tỷ lệ thu hút sinh viên xuất sắc của cấp Trung ương và các địa phương? Lộ trình hoàn thiện thể chế về tố tụng hành chính thi hành như thế nào? Giải pháp để cán bộ, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng đầy đủ các chế độ khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã? Gỡ vướng cho việc định giá trong tố tụng hình sự? Trách nhiệm của Chính phủ trong việc liên tục sửa đổi luật? Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giám định tư pháp? Nguyên nhân chất lượng các kháng nghị còn hạn chế?…
Đối với nhóm nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực này, người trực tiếp trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Các vị ĐBQH với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình đã bám sát các nội dung chất vấn, đặt các câu hỏi rất cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, tập trung vào những vấn đề trong việc thực hiện các nghị quyết đã chất vấn và mong muốn có những giải pháp tốt hơn để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong thời gian tới; nâng cao hơn nữa chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn của các bộ, ngành.
Đồng thời, nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và những vấn đề phát sinh đang cần phải nghiên cứu giải quyết; đề ra những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ, bộ, ngành trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tinh thần sôi nổi, làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao của các đại biểu, toàn bộ nội dung, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành. Đã có 75 lượt ĐBQH phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận.
Các vị ĐBQH đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của ĐBQH.
Bên cạnh đó, các vị ĐBQH cũng chỉ rõ việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải sớm được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nêu một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm liên quan trực tiếp đến trách nhiệm chính của các bộ, ngành để tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần đề cập đến vai trò quan trọng, yêu cầu cấp bách trong việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, công tác đối ngoại và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phiên chất vấn hôm nay đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu rất quan trọng đó.
Mai Lan – Đức Lam
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/phien-chat-van-va-tra-loi-chat-van-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc/d20240822100911144.htm