Kỳ 1: Sự lựa chọn có ý nghĩa lịch sử
“Du lịch là một thế mạnh của tỉnh ta, phải tập trung chỉ đạo, đầu tư, giải quyết các vấn đề về tổ chức, cán bộ, kết cấu hạ tầng, hệ thống dịch vụ, hình thành các tuyến du lịch và ngành kinh tế du lịch của tỉnh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước” – Đây là những dòng phác thảo ban đầu về nền kinh tế du lịch mà Đại hội đầu tiên sau khi Ninh Bình được tái lập (Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tháng 8/1992) đã nhấn mạnh.
Giải bài toán nhiều mệnh đề
Nhiều người vẫn kể rằng, cái thời chung tỉnh lớn Hà Nam Ninh, Ninh Bình xa trung tâm tỉnh lỵ, đất đai cũng chẳng mấy mầu mỡ để làm nông nghiệp nên dẫu có muốn thì cũng khó có thể bật dậy vào thời điểm ấy. “Kinh tế phát triển chậm, có mặt giảm sút trong khi dân số tăng nhanh. Thu nhập quốc dân sản xuất bình quân từ 1986 đến 1991 tăng 1,1% còn tỷ lệ tăng dân số trên 2,2%. Tài chính tiền tệ, ngân sách mất cân đối lớn. Đây thực sự là một vấn đề lớn về kinh tế, xã hội…” – Báo cáo tình hình và nhiệm vụ tại Đại hội XII nhận định.
Là người tham gia biên soạn Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, đồng chí Nguyễn Thanh Túc, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhớ lại: Thời điểm đó, nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã diễn ra bởi vừa mới chia tách, đây vừa là thách thức vừa là thời cơ lớn để Ninh Bình khởi động, đổi mới và tiến lên. Làm thế nào tổ chức, sắp xếp lại cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nhất là lao động, trí tuệ, ruộng đất và tài nguyên để từng bước ổn định và cải thiện đời sống nhân dân là câu hỏi lớn được đặt ra. Có luồng ý kiến cho rằng, bên cạnh nông nghiệp, cần phải đẩy mạnh khai thác vật liệu xây dựng, phát triển các nhà máy xi măng để nhanh chóng mang lại nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp dân thoát nghèo. Nhưng cũng có ý kiến trăn trở không thể để mặc người dân phá đá, đốt vôi một cách khó nhọc và hủy hoại thiên nhiên mãi như vậy được. Tại sao Ninh Bình – một vùng đất giàu tiềm năng, đi đến đâu cũng chạm lịch sử, cũng nghe thấy truyền thuyết; cũng thấy cảnh đẹp lại không phát triển du lịch?
Nhìn nhận một cách khách quan thì Ninh Bình là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển du lịch. Nơi đây là vùng đất giao thoa, hội tụ các nền văn hóa, tôn giáo theo nghĩa nhân văn nhất, nơi mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng một vùng núi non hùng vĩ với những trầm tích văn hóa được lắng đọng qua từng di tích, danh thắng. Chính vì lẽ đó, dù còn nhiều luồng ý kiến tranh luận về lựa chọn “con đường thoát nghèo” cho nhân dân nhưng tư tưởng thống nhất trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy lúc bấy giờ là “Phải tính đến một bài toán có tâm hơn với trời đất và có tầm hơn với quốc dân”.
Và, chỉ với vài câu ngắn gọn trong Báo cáo tình hình và nhiệm vụ tại Đại hội đầu tiên của Đảng bộ tỉnh sau tái lập, du lịch Ninh Bình đã manh nha hình thành và phát triển. Năm 1995, Ninh Bình là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thành lập Sở Du lịch. Đồng thời, ngay sau đó, tỉnh cũng đã sớm thực hiện xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thời kỳ 1995 – 2010”. Mặc dù, những năm 90 của thế kỷ XX, du lịch Ninh Bình còn rất thô sơ, với vài điểm tham quan chính như Đền Đinh – Lê, Tam Cốc – Bích Động, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Nhà thờ đá Phát Diệm nhưng cũng đã tạo ra không ít việc làm, tăng thu nhập cho người dân…
Với tầm nhìn chiến lược, Ninh Bình đã có sự lựa chọn mang tính lịch sử, là chìa khóa mở ra cánh cửa chuyển hướng phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, manh nha hình thành chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, lấy bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên là động lực, là sức mạnh cho sự phát triển.
Trong quá trình đổi mới, Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển du lịch, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) xác định: Phải nhanh chóng khai thác các điều kiện thuận lợi của đất nước để mở mang du lịch bằng vốn trong nước và hợp tác với nước ngoài. Chỉ thị 46 – CT/TW ngày 14/10/1994 về lãnh đạo, đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới của Ban Bí thư nhấn mạnh: Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội IX của Đảng (tháng 4/2001) tiếp tục nêu rõ: Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Và đến năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. |
“Xé rào” cơ chế
Sau gần 10 năm, ngành Du lịch và mạng lưới du lịch được hình thành, đạt được những hiệu quả ban đầu về kinh tế-xã hội, có đóng góp cho ngân sách. Nhưng phải đến khi Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001) chính thức xác định: “Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” thì du lịch Ninh Bình mới có bước phát triển mạnh mẽ hơn bằng những hoạch định, đầu tư thích đáng, bài bản cho ngành kinh tế này. Đồng thời, huy động sức mạnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp để cùng nghĩ, cùng lo toan, tạo sức vươn cho du lịch Ninh Bình.
Ngày 18/12/2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU “về phát triển du lịch từ nay đến 2010”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của tỉnh về du lịch. Nghị quyết đã thẳng thắn nhìn nhận: “Hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; ngành Du lịch và các hoạt động du lịch phát triển chậm, lúng túng trong phương hướng và tổ chức hoạt động”. Nguyên nhân chính được chỉ rõ: “Đầu tư cho du lịch còn nhỏ bé, nguồn vốn hạn hẹp, cơ sở vật chất thấp”. Chính vì thế Nghị quyết 03 cũng lần đầu tiên đề cập đến chủ trương “Cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào du lịch có sự quản lý thống nhất của Nhà nước”.
Đồng chí Đinh Văn Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giai đoạn 2002-2006 cho biết: Những giải pháp đề ra trong Nghị quyết 03 là sự bứt phá trong tư duy của lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ. Bởi trên thực tế việc chuyển đổi mô hình quản lý từ Nhà nước sang tư nhân lĩnh vực du lịch là vấn đề khó, chưa có tiền lệ. Một số tỉnh ở miền Bắc đã đến Ninh Bình học hỏi kinh nghiệm, có đồng chí hỏi tôi:
– Chưa có hướng dẫn cụ thể nào của Trung ương, anh không sợ sai à?
Tôi trả lời:
– Việc gì có lợi cho dân thì phải làm ngay, chúng ta đừng vì sợ trách nhiệm mà để công việc trì trệ, ngại đổi mới.
Câu chuyện Ninh Bình giao đất rừng, cổ phần hóa, khoán tài sản Nhà nước cho tư nhân làm du lịch trở thành hiện tượng hiếm gặp trong thời điểm đó. Nhưng chính sự “xé rào” chính sách này đã đặt những viên gạch đầu tiên cho mô hình “hợp tác công – tư” trong quản lý, khai thác du lịch, mang lại kết quả to lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và của ngành Du lịch nói riêng.
Trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình đã có những điều chỉnh chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực sẵn có, trong đó du lịch luôn được xác định là lĩnh vực ưu tiên, cần khơi thông để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Sau Nghị quyết số 03, Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ra đời đã đặt nền móng quan trọng tạo ra nhiều lợi thế cho du lịch Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, khẳng định phát triển du lịch phải giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người dân địa phương với doanh nghiệp kinh doanh du lịch và Nhà nước. Đồng thời, đề ra mục tiêu: “Xây dựng Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước”. Kết quả rõ nét nhất trong giai đoạn này Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Từ đây trên bản đồ du lịch thế giới đã có tên “Ninh Bình”.
Kiên định mục tiêu
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc những biến chuyển của tình hình thế giới, khu vực và tình hình đất nước, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã kịp thời hoạch định chủ trương, chính sách, đúng mục tiêu và phương hướng cơ bản để phát triển. Trong đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của Quốc gia, có tầm nhìn quốc tế.
Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Từ năm 2001 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, đó là: Nghị quyết số 03-NQ/ TU năm 2001 về phát triển du lịch đến năm 2010; Nghị quyết số 15- NQ/TU năm 2009 về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU năm 2016 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 07- NQ/ TU năm 2021 về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Nghị quyết số 07 được ban hành nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020- 2025) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nghị quyết đã có bước chuyển hướng chiến lược phát triển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”. Trong đó xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, hướng tới đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để Nghị quyết của Tỉnh ủy đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị cụ thể hóa Nghị quyết thành các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện. Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND “về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030”. Nghị quyết tập trung hỗ trợ phát triển 4 nhóm vấn đề chính, đó là: phát triển nguồn nhân lực; tham gia các chương trình xúc tiến trong và ngoài nước; phát triển sản phẩm du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An. Trong từng nhóm vấn đề có quy định các đối tượng, nội dung, điều kiện, thời điểm, mức hỗ trợ và hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Đồng chí Mai Văn Tuất khẳng định: Nhờ những quyết sách kịp thời, sự quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, một hành trình rất dài trong việc tạo dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình đã bước đầu thành công. Chính vì thế, chúng ta không nhìn nhận quá trình phát triển du lịch của tỉnh chỉ đơn thuần là một ngành kinh tế mà đây chính là công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, có trọng tâm, trọng điểm, có tầm nhìn chiến lược của Đảng, đáp ứng được yêu cầu bức thiết của Nhân dân, gìn giữ được giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên mà các bậc tiền nhân đã để lại cho Ninh Bình một cách bền vững, hiệu quả.
Tiến sỹ Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá: Năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên, có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam. Nhưng đối với tỉnh Ninh Bình, ngay tại thời điểm tái lập, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế đã sớm nhìn nhận rõ tiềm năng, thế mạnh để lựa chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và ban hành những nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Điều này thể hiện sự lựa chọn đúng đắn mang tính lịch sử, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và đáp ứng được khát vọng của Nhân dân. Chủ trương, chiến lược này của Ninh Bình đã đi trước đón đầu so với cả nước.
Tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Điều quan trọng lúc này là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống”. Lời nhắc nhở của Tổng Bí thư là kim chỉ nam để Ninh Bình từng bước thực hiện thành công con đường đã lựa chọn. |
Nguyễn Thơm, Quỳnh Thu,
Duy Hiền, Nguyễn Lựu, Hông Giang
⇒ Kỳ 2: Câu chuyện thành công không có dị bản