Powered by Techcity

Phát triển du lịch miền núi Thêm giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp không khói Kỳ III Xây dựng hệ sinh thái du lịch để phát triển bền vững


Những điều kiện cần 

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch miền núi, du lịch xanh. Nhiều sản phẩm du lịch đã đầu tư và được du khách trong nước và nước ngoài đón nhận, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch khu vực miền núi, mang đến trải nghiệm mới cho du khách khi đến Ninh Bình và giải quyết việc làm cho một lượng lao động địa phương. Một số điểm đến đã bước đầu hình thành như: Khu du lịch động Thiên Hà với trải nghiệm “Mường tour-động Thiên Hà” có gần 100 hộ dân tham gia cùng Công ty du lịch Ngôi Sao làm du lịch cộng đồng. Chính điều này đã tạo sức hấp dẫn khác biệt giữ chân du khách ở lại Ninh Bình lâu hơn với những trải nghiệm thú vị mang đậm bản sắc người Mường Thổ Hà, Nho Quan. 

Hay như tại Vườn quốc gia Cúc Phương đã hình thành “hệ sinh thái” du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm có trách nhiệm với môi trường, như: Hành trình hồi sinh; Tour “Về nhà” dành để chăm sóc, cứu hộ các loài động vật hoang dã; Trại hè “Lớn lên cùng đại ngàn” có tác dụng giáo dục, nâng cao ý thức và tình yêu thiên nhiên tới các thế hệ học sinh, sinh viên… Đặc biệt, tour du lịch trải nghiệm “Về nhà” được các chuyên gia đánh giá là “Top 10 du lịch độc đáo” tại Việt Nam. Đây cũng chính là lý do mà 5 năm liên tiếp Vườn quốc gia Cúc Phương vinh dự được nhận giải thưởng danh giá “Vườn quốc gia hàng đầu châu Á”… 

Để tạo sức hút lớn hơn, đồng thời mở ra cơ hội phát triển du lịch ở khu vực miền núi của tỉnh, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được các cấp, các ngành quan tâm. Trong đó, Trung ương, tỉnh, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện Nho Quan, cụ thể như: Hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến đường Quốc lộ 12B đoạn Tam Điệp-Nho Quan; đường ứng cứu phòng hộ Vườn quốc gia Cúc Phương; tuyến đường tránh lũ kết hợp du lịch núi Đính-hồ Đồng Chương-Cúc Phương; tuyến đường bản Săm, bản Sạng, bản Vóng (xã Kỳ Phú)… 

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai xây dựng tuyến đường Đông-Tây tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1), trong đó đi qua 5 xã của huyện Nho Quan, gồm: Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Văn Phong và Văn Phương, với tổng chiều dài khoảng 16,32 km, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch tuyến Kim Sơn-Nho Quan; kết nối giữa các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, các khu du lịch, khu, cụm công nghiệp tại khu vực thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan và vùng phụ cận… Đây sẽ là hành trình đánh thức tài nguyên, mở ra cơ hội mới trong phát triển du lịch gắn với công tác quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững dư địa về tài nguyên thiên nhiên, danh thắng và văn hóa bản địa. 

Tháo gỡ rào cản để phát triển 

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Nho Quan được xác định phát triển du lịch với các chức năng chính: Du lịch tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái rừng nguyên sinh, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch vui chơi giải trí, thể thao mạo hiểm, leo núi, chơi golf; du lịch cộng đồng, nghiên cứu động vật hoang dã… Mặc dù những năm gần đây, ngành Du lịch và huyện Nho Quan đã quan tâm khai thác phát triển du lịch miền núi, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đang sở hữu. 

Hiện nay, du lịch Nho Quan mới chỉ ở con số khá khiêm tốn cả về lượng khách, doanh thu và hạ tầng du lịch. Toàn huyện chỉ có 53 cơ sở lưu trú với 655 phòng nghỉ, trong đó có 3 resort nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn chất lượng 3-4 sao, 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn chất lượng từ 1-2 sao… Với góc độ nhà đầu tư, ông Lê Quốc Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Cúc Phương chia sẻ: Từ thực tế hoạt động của Vedana Resort do Công ty đầu tư xây dựng tại xã Cúc Phương cho thấy, khó khăn hiện nay là vấn đề nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực du lịch là người địa phương chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Du lịch miền núi đang là những sản phẩm đơn lẻ, thiếu đồng bộ, đặc sắc… để tạo nên sức hấp dẫn có thể níu giữ khách du lịch. 

Theo bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Ninh Bình cho rằng: Chất lượng các dịch vụ, kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch, tính liên kết trong phát triển du lịch ở miền núi còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, thế mạnh của địa phương. Ngoài ra, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả còn thấp; nội dung chưa phong phú, thiếu tính chuyên nghiệp; chưa gắn kết với các khu, điểm và sản phẩm du lịch để thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Nho Quan. 

Đối với ý kiến từ phía các doanh nghiệp lữ hành, khuyến nghị các địa phương và ngành Du lịch nên chú trọng cải thiện những điểm yếu “cố hữu” của các địa phương miền núi trong việc tạo ra sản phẩm và liên kết điểm đến. Các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các điểm đến phải cùng nhau hỗ trợ, hợp tác phát triển du lịch, tạo ra các tour tuyến hoàn chỉnh, góp phần tạo sự cạnh tranh với các vùng khác… 

Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh, cần xác định giá trị cốt lõi của điểm đến, đây chính là nguồn tài nguyên du lịch mà người dân địa phương tự hào, khả năng kết nối giao thông và hình thành tuyến điểm du lịch với chuỗi sản phẩm du lịch; tập trung khai thác các thị trường ngách để phát triển thị trường tại các điểm đến vệ tinh, tạo dấu ấn khác biệt. 

Chia sẻ về mục tiêu phấn đấu đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế, đồng chí Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch phát triển du lịch phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, Quy hoạch vùng huyện Nho Quan đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tham gia các hoạt động du lịch, dịch vụ. Quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng các điểm tham quan, nghỉ dưỡng chất lượng cao. 

Cùng với đó, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, phù hợp với định hướng phát triển du lịch, dịch vụ của huyện. Phấn đấu, mỗi địa phương hình thành ít nhất một điểm đến tiêu biểu dựa trên tiềm năng và lợi thế đặc trưng của từng địa phương. Các xã thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương tập trung vào phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với tham quan, tìm hiểu văn hóa địa phương; phát triển du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản xuất làng nghề tại các xã: Gia Thủy, Sơn Hà… Đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch địa phương. 

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Hà Huy Lợi, Giám đốc Công ty du lịch Ngôi Sao bày tỏ: Doanh nghiệp du lịch mong muốn kiếm tìm các sản phẩm đặc thù, tạo được sự khác biệt, đặc trưng của điểm đến để tập trung khai thác. Định hình được sản phẩm, điểm đến, doanh nghiệp sẽ xác định phân khúc, thị trường khách ngay từ đầu, tránh lãng phí nguồn lực, tập trung được các nguồn xúc tiến đủ mạnh vào các thị trường tiềm năng để có các nguồn khách đến với miền núi. Chúng ta cũng kỳ vọng những giải pháp khi được triển khai đồng bộ sẽ “đánh thức” tiềm năng du lịch miền núi Nho Quan phát triển bền vững.

Nguyễn Thơm

 

Kỳ I: Về miền đất cổ Nho Quan

Kỳ II: Gieo “mầm xanh” trên vùng đất khó

 





Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/phat-trien-du-lich-mien-nui-them-giai-phap-ben-vung-cho/d20241008223054295.htm

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Phê duyệt quy hoạch khai thác bền vững tài nguyên vùng bờ

Theo Quyết định, mục tiêu cụ thể của quy hoạch là bảo vệ, duy trì và phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các giá trị khác của vùng bờ; tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ giá trị tự nhiên, sinh thái biển, rừng ngập mặn tại vùng bờ, góp phần thực hiện mục tiêu đạt diện tích tối thiểu bằng 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Sắp xếp, phân bố hợp lý...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất