Xác định rõ tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa là nguồn lực đặc biệt quan trọng, những năm qua, Ninh Bình đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt và có khả năng cạnh tranh, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Hiện nay, Ninh Bình có gần 20 khu, điểm du lịch hấp dẫn, quy mô quốc gia và quốc tế, tiêu biểu như Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, chùa Bái Đính, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn chim Thung Nham…
Đồng thời, Ninh Bình sở hữu 81 di tích xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 1 di sản thế giới; 5 bảo vật quốc gia, 314 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 466 di sản văn hóa phi vật thể đã kiểm kê…
Trên địa bàn tỉnh có 77 làng nghề. Các làng nghề truyền thống của tỉnh sở hữu bề dày lịch sử-văn hóa cùng cảnh quan đặc sắc, có truyền thống lịch sử hàng trăm năm, hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, mang đậm “hơi thở” quê hương gắn với đời sống cộng đồng dân cư. Trải qua nhiều thăng trầm, biến chuyển, nhưng nét đẹp không gian văn hóa trong các làng nghề truyền thống vẫn được các thế hệ người dân gìn giữ, phát huy trong đời sống hôm nay.
Nổi bật như: Gốm sứ Bồ Bát là khởi tổ của gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội); thêu ren Văn Lâm (Ninh Hải) có truyền thống trên 700 năm; làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư)… Thông qua việc gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống vừa lưu giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, vừa là những cơ sở kinh tế quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
Đặc biệt, Ninh Bình là nơi duy nhất trong cả nước và khu vực Đông Nam Á sở hữu Di sản kép, được tổ chức UNESCO ghi danh, đó là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận vào năm 2014.
Năm 2022, tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận Quần thể danh thắng Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững. Đây là những nguồn lực quan trọng để Ninh Bình phát triển du lịch bền vững. Chính vì thế, công tác quảng bá các giá trị văn hóa địa phương luôn gắn liền với việc xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính cạnh tranh.
Trong năm 2023, với chủ đề “Tràng An kết nối di sản”, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến với Ninh Bình. Tiêu biểu như Tuần Du lịch “Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An” năm 2023, tạo được hiệu ứng lan tỏa, sâu rộng thu hút 172.569 lượt du khách, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2022. Trong đó khách quốc tế đạt trên 30.000 lượt; khách đến khu vực Tam Cốc-Tràng An đạt 72.275 lượt.
Đặc biệt, tại buổi lễ khai mạc có hơn 100 cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương đã đưa tin sự kiện; gần 200 hãng lữ hành du lịch nội địa, quốc tế trên cả nước; 120 nhiếp ảnh gia trên cả nước tham dự sự kiện, góp phần thúc đẩy thu hút du khách đến với Ninh Bình. Ngoài ra, hàng loạt các chuỗi sự kiện nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống địa phương như: Kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023) và Lễ hội Hoa Lư; Chương trình Nghệ thuật Miền lau trắng… Đặc biệt, đã tổ chức thành công Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II năm 2023; chương trình đã để lại ấn tượng sâu đậm đối với hàng chục nghìn đại biểu, Nhân dân và du khách quốc tế.
Năm 2023, ngành Du lịch đã chủ trì, phối hợp tổ chức hàng loạt các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch như: Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch của 4 tỉnh “Một hành trình-Bốn địa phươngNhiều trải nghiệm”; xây dựng triển khai các gian hàng quảng bá du lịch Ninh Bình tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023, Hội chợ du lịch Quốc tế ITE HCMC-2023; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Đoàn công tác tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2023, Cộng hòa Liên bang Đức và xúc tiến du lịch tại Vương quốc Bỉ và Vương quốc Hà Lan; tham gia đoàn công tác của HĐND tỉnh tại Ireland, Vương quốc Anh từ ngày 24/10-29/10/2023; tham gia Hội chợ triển lãm SCITE lần thứ 10 của Phòng Hợp tác Kinh tế và Đối ngoại Lạc Sơn (Trung Quốc) được tổ chức tại Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc từ ngày 8/11-12/11/2023.
Đây là những hoạt động quan trọng nhằm đưa hình ảnh con người, đất nước Việt Nam tươi đẹp cũng như những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Ninh Bình ra thế giới, qua đó góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam nói chung và điểm đến Ninh Bình nói riêng.
Các hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa địa phương gắn liền với hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch được cập nhật kịp thời trên các trang thông tin điện tử của ngành Du lịch bằng 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, Anh, Pháp) và các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok, Twitter…
Trong năm 2023, ngành đã đăng tải hơn 1.000 bài viết và hơn 2.000 hình ảnh trên các trang thông tin điện tử quản lý, xây dựng được 120 clip quảng bá du lịch Ninh Bình, thu hút trên 6 triệu lượt khách truy cập…
Nhờ đó, du lịch Ninh Bình luôn nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước; được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, điểm du lịch hiếu khách và được yêu thích nhất như: Chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) bình chọn là một trong 10 điểm đến nghỉ dưỡng dành cho gia đình năm 2023; Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn Ninh Bình là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023; chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel của Canada đã bình chọn Ninh Bình là một trong 10 điểm đến nghỉ dưỡng dành cho gia đình tuyệt vời nhất thế giới năm 2023. Ninh Bình là đại diện duy nhất của Việt Nam giữ vị trí thứ 7 trong top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới do Traveller Review Awards 2023 bình chọn.
Sức hút của du lịch Ninh Bình đã mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế. Năm 2023, toàn tỉnh đón trên 6,5 triệu lượt khách tham quan, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khách nội địa đón trên 6,1 triệu lượt khách; khách quốc tế đón hơn 450 nghìn lượt khách. Doanh thu ước đạt hơn 6.516 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2022.
Du lịch đã đóng vai trò quan trọng, tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại dịch vụ, trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh trong năm 2023, với giá trị GRDP tăng 13,23% so với năm 2022, là năm thứ 2 liên tiếp có tốc độ tăng trưởng cao với hai con số.
Có thể khẳng định, bên cạnh các chính sách thông thoáng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, việc Ninh Bình chú trọng quảng bá các giá trị văn hóa địa phương là một giải pháp quan trọng để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong từng giai đoạn.
Trong đó có mục tiêu trước mắt, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu đón 7,5 triệu lượt khách; trong đó, khách nội địa đón 6,6 triệu lượt khách, khách quốc tế đón 900 nghìn lượt. Doanh thu ước đạt 8.250 tỷ đồng. Đây là những bước đi bài bản, căn cơ để Ninh Bình tiến gần hơn đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nguyễn Thơm