Theo dấu chân người đi mở đất
Kim Sơn là vùng đất mở nằm ở giữa 2 con sông là sông Càn và sông Đáy. Trước năm 1828, nơi đây còn là một bãi biển hoang vu, đầy lau sậy. Xuất phát từ lòng thương dân, “khẩn hoang để yên nghiệp dân nghèo”; với tầm nhìn xa trông rộng, thức thời và khoa học, cuối năm Mậu Tý (năm 1828), sau khi hoàn thành công cuộc khẩn hoang lập ra huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, tại buổi chầu ngày 1 tháng 10 năm Mậu Tý (1828), Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã đề xuất chủ trương khẩn hoang vùng đất ven biển ở các huyện Yên Mô, Yên Khánh thuộc trấn Ninh Bình và đã được vua Minh Mệnh chấp thuận.
Chỉ sau hơn 5 tháng, với kinh nghiệm và tài tổ chức của Nguyễn Công Trứ, cùng các vị chiêu nguyên, thứ mộ và 1.260 dân đinh đã đo đạc, khẩn hoang được 14.600 mẫu và cơ bản định hình các làng, ấp làm cơ sở thành lập huyện. Trên cơ sở đó, ngày Bính Thân, tiết Thanh minh, tháng Ba năm Kỷ Sửu, năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), tức ngày 5/4/1829, huyện Kim Sơn đã được Triều đình nhà Nguyễn cho thành lập với 3 lý, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp, chia làm 5 tổng, huyện lỵ đặt ở làng Quy Hậu, xã Hùng Tiến ngày nay.
Huyện Kim Sơn ra đời là kết quả của công cuộc khẩn hoang. Đó là một quá trình đấu tranh vật lộn với những khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên (đất chua mặn, tác động của thủy triều, thiếu nước ngọt), những khó khăn và thiếu thốn đủ bề, không chỉ buổi đầu khai lập mà cả khi làng, xóm đã hình thành. Bằng trí tuệ và sức lực của mình, của cộng đồng, người Kim Sơn đã đổ mồ hôi, kiên cường chống chọi, vượt lên, tạo ra một vùng quê mới trù phú, huyện mới-Kim Sơn với ý nghĩa “Núi Vàng”.
Phát huy truyền thống của những người đi mở đất, 195 năm qua, Nhân dân Kim Sơn đã kiên cường chống chọi, vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, thực hiện thành công 9 lần quai đê lấn biển, đưa diện tích tự nhiên của huyện tăng gấp hơn 4 lần so với ngày đầu mới thành lập, với tổng diện tích là 239,78 km2 .
Như vậy, sau các lần quai đê lấn biển gắn với việc tiếp tục công cuộc khẩn hoang, với biết bao mồ hôi, công sức, máu và nước mắt, các thế hệ người dân Kim Sơn đã vượt qua những khắc nghiệt của gió, của nước lập nên những kì tích trước thiên nhiên, để lại cho muôn đời sau thành quả vô cùng quý giá.
Truyền thống dũng cảm, kiên cường, năng động, sáng tạo của ông cha đã được các thế hệ Nhân dân Kim Sơn phát huy cao độ, cùng cả nước tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc, vừa đánh giặc giữ nước vừa kiến thiết xây dựng quê hương.
Nếu như trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, Nhân dân và LLVT huyện, nhiều đơn vị, người con của Kim Sơn tự hào được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND; hàng nghìn cá nhân, tập thể, gia đình được tặng Huân, Huy chương, Bằng tổ quốc ghi công, thì trong công cuộc xây dựng quê hương, nhiều đơn vị của Kim Sơn cũng đã vươn lên đạt Cờ đầu của tỉnh Ninh Bình và miền Bắc như: HTX nông nghiệp Dưỡng Điềm, xã Hồi Ninh-đơn vị dẫn đầu toàn miền Bắc về năng suất lúa đạt 5 tấn/ha; phong trào bổ túc văn hóa xã Kiến Trung (Kim Chính ngày nay) đứng đầu miền Bắc, được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa; phong trào dạy học lớp vỡ lòng xã Lưu Phương xếp thứ Nhất tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” được phát triển rộng khắp trong toàn huyện…
Kim Sơn hôm nay…
Đồng chí Trần Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Kế thừa và phát huy truyền thống, cùng với sự phát triển chung của công cuộc đổi mới và thành quả hơn 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện đã nâng cao bản lĩnh, đoàn kết, khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể, vững bước đi lên và đã giành được những kết quả tương đối toàn diện.
Từ năm 2010 đến nay, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã có nhiều chủ trương, giải pháp, ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp; cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất chuyển dịch nhanh và hiệu quả; là huyện luôn dẫn đầu của tỉnh về năng suất lúa.
Từ năm 2021 đã sản xuất thành công giống lúa ST25 theo hướng hữu cơ tại xã Chất Bình, năng suất đạt 69,4 tạ/ha; sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản hàng năm đạt trên 36.000 tấn.
Năm 2023, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 200 triệu đồng, tăng 113 triệu đồng so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 61 triệu đồng/năm, gấp 5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến nay giảm còn dưới 1,5%. Nổi bật là phong trào xây dựng nông thôn mới, như một luồng gió mới thổi vào các vùng quê, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Trong hơn 10 năm (2010-2022) triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đã tham gia đóng góp hơn 130 tỷ đồng tiền mặt, trên 100 nghìn ngày công lao động, hiến trên 90 ha đất, tháo dỡ hơn 1.000 m2 tường rào… để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi, cải tạo nội đồng… Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư, nâng cấp.
Đến nay, toàn huyện có 100% trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, 26 trường học đạt chuẩn mức độ 2; 100% các xã, thị trấn, các thôn, xóm, khối, phố có nhà văn hóa, khu thể thao phổ thông. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa được triển khai thực hiện. Toàn huyện có 6 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, 33 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2023 đạt 92,15%.
Đoàn kết lương-giáo trong huyện tiếp tục được phát huy, huyện Kim Sơn là điểm sáng về phong trào hiến tặng giác mạc, được đông đảo Nhân dân, nhất là đồng bào Công giáo tham gia. Đến hết năm 2023, Kim Sơn có trên 12.560 người đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, đã có trên 422 người hiến giác mạc, dẫn đầu về số người hiến trên cả nước, được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế ghi nhận và biểu dương là đơn vị dẫn đầu toàn quốc.
Đồng chí Mai Khanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn khẳng định: Phát huy truyền thống 195 năm mở đất và anh hùng cách mạng, trong thời kỳ đất nước hòa bình, thống nhất và nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, quân và dân huyện Kim Sơn luôn nỗ lực vượt qua những khó khăn thử thách, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Công tác xây dựng Đảng được tập trung thực hiện đồng bộ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của HĐND và UBND các cấp ngày càng đáp ứng yêu cầu; nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể được chú trọng, góp phần quan trọng trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; dân chủ được phát huy; Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, bộ máy chính quyền các cấp. Năm 2012, Đảng bộ, quân và dân huyện Kim Sơn vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Năm 2023, huyện Kim Sơn đã tổ chức thành công Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước 2 năm so với kế hoạch tỉnh giao.
Những kết quả đó là nền tảng, là động lực để huyện bước tiếp, bước mạnh mẽ và vững chắc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.
Phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới của tỉnh
Trước yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đặc biệt với vị trí, vai trò của huyện trong sự ổn định và phát triển chung của tỉnh, theo đồng chí Mai Khanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn, thời gian tới, huyện Kim Sơn sẽ bám sát các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 26/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển Kim Sơn, giai đoạn 2022-2030…
Tiếp tục tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện, giai đoạn 2023-2030. Cùng với đó, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, từng bước hoàn thiện các tiêu chí để tiến tới xây dựng Kim Sơn trở thành Đô thị loại 4 theo hướng sinh thái giàu bản sắc. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm đột phá được xác định tại Quy hoạch tỉnh là: “Tập trung phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn trở thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới của tỉnh”.
Để đạt mục tiêu này, huyện Kim Sơn sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể và chi tiết, làm căn cứ huy động nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; tái tổ chức sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển thế giới trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng thương mại, dịch vụ; thu hút đầu tư các dự án công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các dự án năng lượng tái tạo, hình thành các khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng vùng ven biển. Thêm vào đó, xây dựng đời sống văn hóa và tinh thần phong phú, văn minh đô thị, cũng như nền hành chính công “tận tụy vì dân”, đi đôi với việc giữ gìn cảnh quan tươi đẹp, nét đặc sắc văn hóa, cốt cách đặc trưng riêng có của con người và miền quê ven biển Kim Sơn…
Truyền thống 195 năm xây dựng và phát triển, với những thành tựu đạt được rất đáng trân quý, là động lực để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện Kim Sơn có quyền tự hào và tin tưởng, Đảng bộ, quân và dân trong huyện sẽ đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong chặng đường sắp tới, xây dựng Kim Sơn vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về an ninh quốc phòng và đẹp về nếp sống văn hóa, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của quê hương trong gần 200 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Nguyễn Thơm