Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm đưa nông sản của hội viên nông dân Ninh Bình đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, khoảng hơn chục ngày nay, điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của Ninh Bình đi vào hoạt động. Tại gian hàng, nhiều sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình như: thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn, ruốc cá rô Tổng Trường, cơm cháy Cung Đình, trà hoa vàng Cúc Phương… đã thu hút sự chú ý của du khách khi đến tham quan tại đây.
Chị Nguyễn Thị Lệ Thanh, Chủ cơ sở Thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn cho biết: Với mong muốn quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình đến du khách trong và ngoài nước, cùng với điểm trưng bày tại Phố cổ Hoa Lư đã hoạt động trước đó, Cơ sở đã quyết định mở thêm một điểm giới thiệu sản phẩm tại Khu du lịch sinh thái Tràng An để tiếp cận thêm nhiều khách hàng. Hy vọng qua việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản Ninh Bình sẽ giúp du khách hiểu thêm về vùng đất, con người nơi đây. Đây cũng là cơ hội để Cơ sở mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Mô hình sản xuất dưa theo hướng hữu cơ với diện tích hơn 1.000m2 của anh Đinh Văn Hợp, hội viên nông dân thôn Đoài Khê, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) là một trong những mô hình luôn nhận được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp. Đầu tư xây dựng mô hình từ năm 2021, được sự quan tâm của địa phương và các cấp Hội Nông dân nên anh Hợp đã xây dựng mô hình thành với sản lượng hơn 3 tấn/vụ, chất lượng dưa ngon, vị ngọt đậm, được khách hàng yêu thích, anh Hợp có thu nhập hơn 400 triệu đồng.
Anh Đinh Văn Hợp chia sẻ: Mô hình sản xuất được Hội Nông dân tỉnh và thành phố Tam Điệp hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, hội thảo, hội nghị trong nước, qua các kênh của Hội, được vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân nên anh có điều kiện đầu tư hoàn thiện hệ thống sản xuất an toàn, chăm sóc dưa theo phương pháp hữu cơ, sản phẩm đạt độ an toàn cao. Sản phẩm dưa kim hoàng hậu của anh hiện đang có mặt tại thị trường, tiếp cận với nhiều khách hàng với mức giá hơn 50.000 đồng/kg…
Đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cưòng sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; văn bản của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban chỉ đạo tỉnh. Thông qua tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong việc đánh giá đúng chất lượng hàng sản xuất trong nước để có sự lựa chọn phù hợp trên cơ sở phân tích lợi thế sản phẩm địa phương. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất sản phẩm nông sản theo hướng an toàn, hữu cơ, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản Ninh Bình ra thị trường, đến với người tiêu dùng trong tỉnh, trong cả nước.
Hội Nông dân tỉnh đã tranh thủ các sự kiện, hội chợ để hỗ trợ hội viên quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Năm 2023, tại các hội chợ ở Hà Nội, Lào Cai, Sơn La, Nghệ An…, Hội đã ưu tiên giới thiệu các sản phẩm mới được công nhận sản phẩm OCOP năm 2022, 2023 như: Trà bảo vệ sức khỏe Bảo Sơn, Trà hoa cúc Riti, sản phẩm thảo dược của HTX Sinh Dược, Mật ong Cúc Phương, bột sắn dây, bột rau má…
Tiêu biểu như tại Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII tổ chức tại Hà Nội tháng 12/2023 vừa qua, Hội Nông dân Ninh Bình đã đăng ký 1 gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Đại hội. Các sản phẩm đặc trưng: cơm cháy, nước mắm cà cuống, ốc nhồi gác bếp, xì dầu… là những sản phẩm được nhiều đại biểu yêu thích. Nhiều cơ sở đã tiếp cận được với khách hàng trong thời gian diễn ra Đại hội, ký kết được các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tại đại hội Hội Nông dân các cấp trong tỉnh vừa qua, các sản phẩm được trưng bày tại đại hội cũng như quà tặng đại biểu đều sử dụng các sản phẩm đặc trưng của các địa phương.
Thành công lớn nhất của Hội Nông dân tỉnh trong thực hiện cuộc vận động là đã hướng hội viên nông dân tập trung sản xuất an toàn, xây dựng các sản phẩm theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hội đã hỗ trợ được nhiều cơ sở sản xuất trong việc nâng cấp mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ máy móc, thiết kế logo… để giúp các cơ sở xây dựng sản phẩm OCOP.
Đồng thời, năm 2023, Hội Nông dân tỉnh đã vận động thành lập được 6 cửa hàng nông sản an toàn, hiện toàn tỉnh có 35 cửa hàng duy trì hoạt động hiệu quả. Hội cũng động viên các chủ cửa hàng giới thiệu thêm những sản phẩm mới tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Như tại Cửa hàng Nông sản an toàn sông Vân hiện có hơn 50 sản phẩm của các tỉnh, thành phố được bày bán. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh cũng chú trọng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố thông qua hoạt động ký kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nông dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lâm Đồng… Qua đó góp phần lan tỏa sản phẩm và thương hiệu của các cơ sở sản xuất trong nước đến người tiêu dùng Ninh Bình.
Bài, ảnh: Bùi Diệu