Thời điểm này, người nuôi thủy sản vùng ven biển huyện Kim Sơn đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để bước vào vụ nuôi thủy sản chính trong năm. Việc này không chỉ tạo ra sự chủ động trong quá trình nuôi mà còn giúp hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân.
Nâng cấp ao đầm, chuyển mạnh sang thâm canh
Trên diện tích 1 ha, anh Phạm Văn Hào, xóm 6, xã Kim Trung (huyện Kim Sơn) đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để cải tạo và quy hoạch tổng thể hệ thống ao hồ và các hạng mục phụ trợ phục vụ cho việc sản xuất hàu giống kết hợp với ương giống tôm.
Anh Hào chia sẻ: Kinh nghiệm sản xuất nhiều năm cho thấy, nếu nuôi theo hình thức quảng canh thì rủi ro sẽ rất cao, con nuôi dễ bị nhiễm bệnh, chất lượng, kích cỡ không đồng đều… vì thế, dù có đầu tư ban đầu ít nhưng lời lãi không đáng là bao. Do vậy, tôi quyết định phải đầu tư nâng cấp ao đầm, hoàn thiện lại hệ thống xử lý nước và môi trường để sản xuất theo hướng thâm canh, hạn chế dịch bệnh. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ thời tiết thuận lợi là bước vào sản xuất.
Cũng giống như anh Hào, thời điểm này, anh Trịnh Đình Tú ở khối 10, thị trấn Bình Minh cũng đang rốt ráo chuẩn bị cho lứa tôm mới. Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, anh Tú thuê thêm nhân công để vệ sinh ao đầm. Anh Tú cho biết: Sau mỗi vụ nuôi tôm, trong quá trình chăm sóc, lượng thức ăn dư thừa, chất thải và mầm bệnh lắng đọng tích tụ dưới đáy và bờ ao sẽ làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, nếu không cải tạo, xử lý kỹ thì rất dễ phát sinh dịch bệnh cho lứa tôm sau.
Vì vậy, sau mỗi vụ nuôi, tôi đều tiến hành cải tạo ao nuôi bằng cách tháo cạn nước, phun rửa rêu cáu xung quanh bờ, rồi ngâm hóa chất khử trùng, thậm chí rửa cả đường ống. Cùng với đó là tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt các thiết bị cần thiết cho việc nuôi thả. “Bây giờ nuôi tôm không thể phó mặc cho may rủi được, bởi điều kiện thời tiết, môi trường ngày càng khắc nghiệt. Phải nâng cấp ao, mua sắm trang thiết bị tiên tiến, cũng như thường xuyên học hỏi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để chăm sóc, phòng bệnh cho tôm. Như gia đình tôi, trước đây toàn ao đất, nhưng nay đã nâng cấp lên được 7 ao nổi, phủ bạt, có mái che. Nhờ vậy, tôm nuôi được quanh năm, tỷ lệ thành công cũng cao hơn hẳn” – anh Tú chia sẻ.
Ở các xã ven biển huyện Kim Sơn, không chỉ có gia đình anh Hào, anh Tú mà có rất nhiều hộ nuôi trồng thủy sản khác cũng đang có xu hướng đầu tư lớn để nâng cấp ao đầm, chuyển đổi sang hình thức nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong năm 2023, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh tăng lên trên 300 ha, trong đó có 75 ha nuôi siêu thâm canh.
Tăng cường cảnh báo môi trường và kiểm soát chặt con giống
Theo kế hoạch, tổng diện tích thủy sản vùng mặn lợ của huyện Kim Sơn vụ Xuân Hè là 2.146,4 ha. Trong đó: Diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến và cá nước lợ là 1.451,9 ha; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh là 340 ha; diện tích sản xuất giống ngao, hàu là 354,5 ha.
Về lịch thả giống, đối với tôm sú, bắt đầu ương giống từ ngày 15/3 đến ngày 31/3 năm 2024. Căn cứ vào thời tiết, bắt đầu thả giống tôm sú nuôi thương phẩm từ khoảng ngày 1/4 năm 2024.
Đối với tôm thẻ chân trắng, bắt đầu thả giống từ tháng 4 đến tháng 5. Riêng các ao nuôi có mái che giữ được nhiệt độ, có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo, kiểm soát tốt các yếu tố môi trường có thể nuôi qua mùa Đông.
Chi cục Thủy sản khuyến cáo, để vụ mới thành công, người nuôi trồng thủy sản cần tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi. Nhất là việc cải tạo, vệ sinh ao đầm; lựa chọn mua con giống ở địa chỉ uy tín, có chứng nhận kiểm dịch chất lượng của cơ quan chức năng. Nên ương dưỡng và sử dụng con giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm; tăng cường công tác quản lý môi trường và phòng ngừa dịch bệnh. Đồng thời, lựa chọn thức ăn phù hợp với từng đối tượng nuôi, giai đoạn sinh trưởng; không sử dụng chất kích thích, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản…
Ông Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư thủy sản (Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Ngay từ cuối năm 2023, đơn vị đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn, chính quyền các xã, thị trấn nắm bắt tình hình, tiến độ cải tạo ao, đầm; thường xuyên tiến hành quan trắc, lấy mẫu nước tại các vùng nuôi để hướng dẫn người dân lấy nước với chất lượng tốt nhất vào ao đầm. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, phổ biến lịch thời vụ cho hàng trăm bà con nông dân.
Việc chuẩn bị tốt các điều kiện ao, đầm, vùng bãi nuôi, đảm bảo chất lượng con giống và thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn là cơ sở bước đầu quan trọng để vụ nuôi thủy sản Xuân Hè thắng lợi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguyễn Lựu