CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Giá Thượng, xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn) là 1 trong 25 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau của tỉnh được thụ hưởng Dự án VIE688- Phát triển và mở rộng Can thiệp phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.
Qua hơn 2 năm hoạt động trong kỳ Dự án, CLB đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban đại diện Hội Người cao tuổi các cấp để phát triển bền vững.
Đến nay, CLB có 79 hội viên. CLB được trang bị kinh phí; cơ sở vật chất; tham gia tập huấn về can thiệp phòng chống bệnh không lây nhiễm… Nhờ đó, CLB đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các hoạt động cơ bản như: Chăm sóc tốt sức khỏe của các thành viên CLB; sàng lọc đánh giá các chỉ số phòng ngừa bệnh không lây nhiễm như: huyết áp, đái tháo đường; hoạt động tăng thu nhập cho hội viên; làm tốt công tác vận động các nguồn lực; hoạt động tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng; văn hóa văn nghệ…
Các nội dung được triển khai phong phú, bổ ích, thiết thực còn thu hút đông đảo người cao tuổi và cộng đồng dân cư ở địa phương tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho người cao tuổi ở xã Gia Hòa.
Ở huyện Yên Mô, các hoạt động nhằm động viên, tạo điều kiện cho người cao tuổi vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống cũng được các địa phương quan tâm thực hiện có hiệu quả.
Theo đó, Hội Người cao tuổi các cấp của huyện Yên Mô đã triển khai thực hiện tốt phong trào “Nêu gương sáng, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng”. Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, tạo sức lan tỏa trên nhiều ngành, lĩnh vực, thu hút nhiều người cao tuổi tham gia.
Toàn huyện có trên 1.300 người cao tuổi tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh dịch vụ; 146 người cao tuổi trực tiếp sản xuất là chủ trang trại, doanh nghiệp; 182 người cao tuổi làm kinh tế giỏi cấp xã, huyện, tỉnh; nhiều hội viên có kiến thức, kinh nghiệm, biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhiều người cao tuổi còn tạo việc làm cho lao động ở địa phương. Điển hình như ông Đinh Văn Di, 61 tuổi, hội viên chi hội Người cao tuổi xóm Dân Mới, xã Yên Đồng thành công với mô hình kinh tế tổng hợp bao gồm chăn nuôn lợn thịt, nuôi cá thịt và cá giống, bán thức ăn chăn nuôi, tham gia tổ hợp tác đánh bắt thủy sản Hồ Yên Đồng… với tổng thu nhập trên 210 triệu đồng/năm.
Bà Vũ Thị Hương, 61 tuổi là hội viên NCT thôn Thắng Động, xã Khánh Thượng làm mô hình chăn nuôi tổng hợp với 7 mẫu ao để chăn nuôi cá, vịt, gà… giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Tổng thu nhập sau khi trừ chi phí đạt trên 1 tỷ đồng/năm, thường xuyên giúp đỡ hội viên lúc khó khăn hoạn nạn…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 138.246 người cao tuổi, chiếm 12,34% dân số. Đa số người cao tuổi được gia đình, cộng đồng chăm sóc chu đáo. Các cụ đã nêu gương sáng trong việc tuyên truyền, vận động con cháu, gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, hương ước, quy ước ở khu dân cư.
Nhiều người cao tuổi đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động sản xuất, học tập, tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu, khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập, đơn vị học tập, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một bộ phận NCT nghèo, NCT có hoàn cảnh khó khăn cần có các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và sự chung tay chia sẻ của các cấp, các ngành, cộng đồng.
Ông Vũ Xuân Đang, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Những năm qua, NCT trên địa bàn tỉnh đã được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCT; được chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống từ các nguồn lực được vận động… Đặc biệt, NCT tỉnh ta còn được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án có ý nghĩa.
Mới đây, Ninh Bình là 1 trong 6 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước đã tiếp nhận, thực hiện Dự án VIE085 “Hỗ trợ Người cao tuổi thiệt thòi thông qua nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau”. Dự án được thực hiện trong 03 năm (2023-2025). Mục tiêu mỗi năm sẽ thành lập được 9 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau.
Thông qua các mô hình này, đặt mục tiêu góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của NCT, đặc biệt nâng cao về thu nhập, cải thiện sức khỏe. Đồng thời kêu gọi, huy động các nguồn lực hỗ trợ để tiếp tục thành lập, nhân rộng hoạt động các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
Trước đó, Ban Đại diện Hội NCT tỉnh và Công ty CP Đầu tư sức khỏe cộng đồng đã ký kết Biên bản hợp tác về chăm sóc sức khỏe NCT tỉnh Ninh Bình.
Nội dung phối hợp giữa hai bên sẽ được cụ thể hóa qua các hoạt động như: Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe cho Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ để tăng cường khả năng chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động chăm sóc sức khỏe cho hội viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương; tập huấn, hướng dẫn cho Ban chủ nhiệm phương pháp vận động trị liệu như: Bài tập Dưỡng sinh Kinh lạc, bài tập Trị liệu cột sống, bài tập Tăng cường máu não, bài tập ổn định huyết áp …
Đặc biệt, công ty sẽ hỗ trợ cho các CLB Liên thế hệ mượn từ 2-5 máy đo huyết áp; mượn từ 3-5 máy thử tiểu đường, tặng que thử tiểu đường để đo đường huyết cho hội viên; mượn từ 3-5 máy vật lý trị liệu MF5-08.
Đối với CLB Liên thế hệ mới thành lập sẽ được công ty hỗ trợ 01 cân đo sức khỏe, 2 máy đo huyết áp, 3 dây đo chiều cao; Phối hợp với Trạm Y tế tổ chức thăm khám sức khỏe một năm 2 lần…
Những nỗ lực đó nhằm tạo điều kiện để hội viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế với chất lượng ngày càng cao; hội viên chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; Tăng cường sự giao lưu gắn kết giữa các CLB…
Bài, ảnh: Đào Hằng