Chủ động xây dựng cơ chế, chính sách
Ngay sau khi các nghị quyết được ban hành, tỉnh ta đã tổ chức quán triệt nghiêm túc và tuyên truyền thực hiện bằng những hình thức phù hợp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai với lộ trình, thời gian hoàn thành cụ thể; thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, góp phần cùng các tỉnh, thành phố trong Vùng nỗ lực hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 30.
Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 14 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện. Việc ban hành các văn bản, cơ chế, chính sách của tỉnh Ninh Bình được triển khai kịp thời, đồng bộ, phù hợp với nội dung các văn bản do Trung ương ban hành và phù hợp với tình hình thực tế.
Đặc biệt, Ninh Bình đã tập trung xây dựng mới, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế chính sách phù hợp với đặc điểm cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là việc hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực và địa phương.
Đến nay, tỉnh Ninh Bình đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để báo cáo, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó là lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện đối với các huyện, thành phố theo quy định.
Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 26/6/2022 về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển Kim Sơn, giai đoạn 2022-2030; xác định xây dựng vùng kinh tế ven biển Kim Sơn thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới của tỉnh; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ hệ sinh thái dự trữ sinh quyển thế giới trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn, bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế-xã hội.
Nỗ lực để tạo đột phá
Để thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng, với tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tỉnh ta đã quyết tâm triển khai những đột phá chiến lược để giải quyết các mâu thuẫn nội tại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh.
Nhờ những chủ trương đúng đắn, mặc dù trong năm 2023, tình hình kinh tếxã hội của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt được mức tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức khá, đạt 7,27%, xếp thứ 8/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Hồng, đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông được tăng cường đầu tư hoàn thiện theo hướng đồng bộ, kết nối vùng, liên vùng và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh…
Đã phối hợp với Bộ Giao thông-Vận tải tổ chức thông xe, khánh thành và đưa vào khai thác đường cao tốc đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và đoạn Mai SơnQuốc lộ 45; khánh thành Âu Kim Đài; khởi công và xây dựng cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác dự án cải tạo, nâng cấp; đường ĐT.477, đoạn từ ngã ba Gián Khẩu đến hết phạm vi khu 50 ha mở rộng KCN Gián Khẩu… Phát triển đô thị được tập trung chỉ đạo theo hướng phân bố hợp lý các đô thị trên địa bàn tỉnh, tạo ra sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng trong tỉnh, kết hợp giữa cải tạo các đô thị cũ và xây dựng các đô thị mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III và 7 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2023 ước đạt 31%. Trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh đã tiến hành rà soát danh mục các dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để cải tiến dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 5 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng diện tích 886 ha. Trong các năm 2021-2023, đã thu hút được 9 dự án đầu tư đăng ký mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.880 tỷ đồng; lũy kế đến nay, đã thu hút được 121 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 64.610 tỷ đồng; trong đó, có 32 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký hơn 605,6 triệu USD. Bên cạnh đó, đã có 14 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng diện tích hơn 530 ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 72%, thu hút được 360 dự án đầu tư vào cụm công nghiệp, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 18.550 tỷ đồng.
Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Trong đó, công tác giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng. Tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 89,2% (tăng 0,4% so với năm trước); có 98,7% trường Mầm non, 79,3% trường Tiểu học (mức độ 2), 100% trường THCS và 74,1% trường THPT đạt chuẩn quốc gia; kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh Ninh Bình tiếp tục duy trì trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các bài thi, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,6%… An sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm, bảo đảm, mở rộng phạm vi bao phủ.
Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 2,01%, hộ cận nghèo còn 2,37%. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng, góp phần quảng bá hình ảnh Ninh Bình với bạn bè trong nước và quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Bảo Yến