Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng để làm động lực dẫn dắt
Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào trong phát triển kinh tế – xã hội, đáp lại niềm tin, kỳ vọng của Trung ương. Tuy nhiên, với tư duy đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn xa, Ninh Bình chưa khi nào hài lòng với những kết quả đạt được, mà luôn không ngừng nhận diện những hạn chế, thách thức để có những kế hoạch, mục tiêu phát triển mới.
Tỉnh nhận định rõ, các dự án hạ tầng trước đây chủ yếu là những dự án giao thông tại các trung tâm đô thị, kinh tế phát triển của tỉnh. Trong khi nằm ở vị trí địa lý quan trọng ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình được ví như “cửa ngõ” để đi vào các tỉnh miền Trung và phía Nam; điểm giao thoa của 3 vùng kinh tế: Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc Bộ và Duyên hải miền Trung, là đầu mối giao thông quan trọng của Quốc gia. Tuy nhiên, nhiều khu vực xa trung tâm, kết cấu hạ tầng vẫn còn những bất cập, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông mang tính chiến lược. Vì thế, nhiệm vụ phát triển đột phá, đồng bộ hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược trên địa bàn tỉnh vẫn là mục tiêu tỉnh ưu tiên thực hiện.
Bước vào đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động về phát triển hạ tầng giao thông, trong đó Nghị quyết số 10-NQ/ TU, ngày 14/12/2021 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu tập trung đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng đảm bảo tính kết nối vùng, liên vùng, mở rộng không gian đô thị, tạo dư địa và động lực phát triển kinh tế – xã hội. Tại kế hoạch đầu tư công, tỉnh xác định các công trình, dự án trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó có nhiều dự án giao thông quan trọng.
Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành đã tập trung cao độ, với thời gian nhanh nhất để thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, tập trung triển khai, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các dự án như: Dự án Cải tạo, nâng cấp đường ĐT 477 đoạn từ Km0+000 – Km1+500 (đoạn từ ngã ba Gián Khẩu đến hết phạm vi khu 50 ha – Khu công nghiệp Gián Khẩu) được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 61 ngày 29/7/2021. Chỉ sau hơn 4 tháng triển khai đã hoàn thành các thủ tục theo quy định để khởi công dự án, rút ngắn được khoảng 50% thời gian chuẩn bị đầu tư so với các dự án thông thường khác. Cũng chỉ sau khoảng 4 tháng thi công, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, khai thác 1 km đầu tuyến, tạo hiệu ứng lan tỏa lớn, góp phần thu hút các dự án chiến lược về phát triển công nghiệp của tỉnh Ninh Bình.
Khởi đầu năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng Dự án xây dựng tuyến đường kết nối Quốc lộ 12B với Quốc lộ 21B, đoạn từ Cầu Tu đến Cầu Cọ được khởi công vào tháng 4 năm 2022 với thời gian thực hiện theo hợp đồng là 33 tháng (đến hết năm 2024). Với sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, sau 10 tháng thi công, với phương châm “Chất lượng – Tiến độ – An toàn – Hiệu quả”, dự án đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện thông xe kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, không để xảy ra sự cố về kỹ thuật, mất an toàn lao động. Đây là thành quả của những nỗ lực vượt khó của chủ đầu tư, các nhà thầu cùng sự đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án.
Nhất quán với phương châm “lấy đầu tư công là động lực dẫn dắt”, Ninh Bình đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các chủ đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đường cao tốc đi qua Ninh Bình được thuận lợi, sớm hoàn thành, thông xe, đưa vào khai thác sử dụng, trong đó phải kể đến tuyến đường cao tốc phía Đông đoạn Cao Bồ – Mai Sơn và đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45. Đây là tuyến giao thông huyết mạch của đất nước, kết nối liên thông đồng bộ với hệ thống giao thông của tỉnh; tạo trục kết nối gần nhất giữa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước với Ninh Bình, với Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới – Quần thể danh thắng Tràng An, đến vùng rừng núi đầy tiềm năng Vườn Quốc gia Cúc Phương và vùng ven biển huyện Kim Sơn.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn; giảm phần lớn phương tiện giao thông đi vào trung tâm các đô thị của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng, thế mạnh các khu vực trước đây bị coi là “vùng trũng” do hạn chế về giao thông; mở ra không gian, dư địa mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững của tỉnh Ninh Bình và các tỉnh. Đồng thời, các dự án được hoàn thành sớm hơn so với dự kiến đã khẳng định khi các cấp, các ngành trong tỉnh quyết tâm, nỗ lực và có trách nhiệm cao thì công việc dù khó cũng được giải quyết, hoàn thành sớm đảm bảo quy định với chất lượng tốt.
Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện quan điểm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về đầu tư công, yêu cầu tập trung triển khai nhanh gọn, dứt điểm từng dự án, đưa vào khai thác sử dụng sớm, phát huy hiệu quả đầu tư, làm cơ sở và động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, do vậy đã bố trí nguồn vốn tập trung, ưu tiên cho các dự án trọng tâm và các dự án có khả năng hoàn thành sớm. UBND tỉnh tiếp tục quyết tâm cao trong triển khai thực hiện và thực hiện giải ngân các dự án đầu tư công, trong đó nhiều dự án đã và đang tập trung cao độ để hết năm 2023 hoàn thành, thông xe kỹ thuật một số tuyến như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B, tỉnh Ninh Bình quyết tâm đến hết năm 2023 cơ bản hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác cầu và các tuyến (tuyến B, tuyến D, tuyến G)… ; Dự án xây dựng cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây sông Vân; Tuyến đường T21; Dự án nâng cấp tuyến đường chính vào khu du lịch suối Kênh Gà và động Vân Trình (giai đoạn 1); Tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 1).
Tạo “đột phá” về giao thông để phát triển nhanh và bền vững
Năm 2022, tỉnh Ninh Bình được Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương và Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là nơi tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Điều này thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với tỉnh Ninh Bình và khẳng định Ninh Bình có vị trí quan trọng trong sự phát triển của quốc gia. Chính vì vậy, tỉnh Ninh Bình xác định đây là động lực quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, trong đó có chiến lược phát triển hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng, mở ra dư địa thu hút đầu tư, sớm đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Thực hiện phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, cùng Chủ đề công tác năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2023 là “Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất”, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện và hoàn thiện thủ tục đầu tư, tập trung triển khai thi công, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công được các cấp có thẩm quyền giao.
Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng cầu Chà Là vượt sông Vân đang tập trung đấu thầu, dự kiến khởi công trong tháng 8/2023, đồng bộ với việc cải tạo cảnh quan hai bờ sông Vân; Dự án nâng cấp tuyến đường chính vào khu du lịch suối Kênh Gà và động Vân Trình giai đoạn 2 đang tiến hành công tác giải phóng mặt bằng. Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đường Đinh Tiên Hoàng (giai đoạn 2); Kênh kết hợp với đường Vạn Hạnh (giai đoạn 1); Tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 2).
Cũng trong giai đoạn này, Ninh Bình đang triển khai khảo sát, thực hiện thủ tục đầu tư hoặc nghiên cứu, đề xuất đầu tư một số tuyến quan trọng như: Tuyến đường Đông – Tây (giai đoạn 2) đang chỉ đạo thực hiện công tác khảo sát để chuẩn bị đầu tư và dự kiến sẽ hoàn chỉnh công tác chuẩn bị đầu tư vào năm cuối của giai đoạn 2021-2025; Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình đi Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Ninh Bình) đang tiến hành khảo sát, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư, phấn đấu triển khai thi công trong năm 2024 và cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; khảo sát, nghiên cứu, đề xuất phương án kết nối tiếp tuyến đường Đông – Tây với tuyến đường Hồ Chí Minh để liên thông, đồng bộ kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc, tạo sự kết nối liên vùng giữa đồng bằng sông Hồng với vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Đặc biệt, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông – Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định là dự án trọng tâm, phải hoàn thành sớm nhất để tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn. Trục giao thông này hoàn chỉnh sẽ đi qua 4 huyện, thành phố, kết nối cực phía Tây với cực phía Đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng rừng núi huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn, mở ra không gian, dư địa và động lực phát triển cho khoảng 50.000 ha phía Nam của tỉnh Ninh Bình.
Đặc biệt, tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của Quốc gia như: đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Quốc lộ 1A, đường bộ ven biển, đường sắt Bắc – Nam…; mở ra hướng kết nối liên thông với tuyến đường Hồ Chí Minh và kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La) với vùng Đồng bằng sông Hồng…
Xác định được tầm quan trọng của dự án, tại kỳ họp bất thường ngày 12/5/2021, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Đông – Tây (giai đoạn I). Đây là kỳ họp bất thường sau khi HĐND tỉnh đã tổng kết nhiệm kỳ, thể hiện sự quyết tâm và cải cách hành chính đồng bộ của tỉnh. Với tinh thần hành động, chỉ đạo đồng bộ, bài bản các nhiệm vụ, đến ngày 29/10/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ sau 4 tháng kể từ ngày dự án được phê duyệt, chủ đầu tư đã hoàn thành toàn bộ thủ tục từ khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đến lựa chọn nhà thầu thi công và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Dự án được khởi công ngày 27/3/2022, đúng vào dịp kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh. Dự án được tỉnh Ninh Bình xác định là công trình trọng điểm, phải hoàn thành sớm nhất để tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tếxã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn. Do vậy, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện cho 8 làn xe toàn bộ tuyến, hiện đã bàn giao mặt bằng được 20,2/22,9 km.
Dự án đã và đang thi công 11,5/23 km phần nền đường, 18/110 cống ngang và các cầu trên tuyến; giá trị xây lắp thực hiện đến nay đạt khoảng 30% khối lượng. UBND tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến; đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật để đưa vào khai thác trong năm 2024.
Trong giai đoạn 2024-2026, dự án sẽ hoàn chỉnh các hạng mục phụ trợ khác và hoàn thiện các thủ tục thanh quyết toán. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tỉnh Ninh Bình nỗ lực để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo lập được cơ cấu vận tải hợp lý, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 30 – NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, sớm đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Nguyễn Thơm