Ninh Bình là địa phương duy nhất ở Việt Nam và cũng là số ít trong khu vực sở hữu danh hiệu di sản kép: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An. Cùng với đó, Ninh Bình được thừa hưởng tinh hoa văn hóa của vùng đất kinh đô Hoa Lư. Trên cơ sở nền tảng di sản đô thành và đô thị Hoa Lư cổ truyền, Ninh Bình đang hướng tới xây dựng “Đô thị Cố đô – Di sản” vừa bảo tồn các giá trị bền vững của di sản, vừa mang tính văn minh, hiện đại.
Hơn 30 năm trước khi tái lập tỉnh, kinh tế của Ninh Bình khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng ngay tại thời điểm đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhìn rõ những lợi thế về phát triển du lịch, dịch vụ là một ngành kinh tế quan trọng. Theo đồng chí Đinh Đức Hữu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đầu những năm 2000, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Đây là cơ sở, là động lực để tỉnh bảo vệ thành công Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Cũng trong năm 2014, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014.
Theo định hướng phát triển không gian, đô thị Ninh Bình theo mô hình đô thị đa tâm, gồm: Khu vực đô thị trung tâm tập trung chủ yếu tại thành phố Ninh Bình, thị trấn Thiên Tôn; các khu vực đô thị phụ trợ là đô thị Bái Đính và các trung tâm Ninh Hải – Ninh Thắng, Ninh Vân, Mai Sơn kết nối bằng hệ thống giao thông đô thị và vùng cảnh quan di sản văn hóa, thiên nhiên Quần thể danh thắng Tràng An; vùng sinh thái nông nghiệp là vùng đệm xanh bảo vệ Quần thể danh thắng Tràng An và hạn chế phát triển lan tỏa của khu vực đô thị trung tâm.
Đến năm 2016, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình tại Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016. Trong đó, xác định tính chất là di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới, có giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên và lịch sử – văn hóa; là khu du lịch của quốc gia, tầm cỡ quốc tế, có đặc trưng về lịch sử – văn hóa – sinh thái; là khu vực có dân cư sinh sống đan xen.
Các quy hoạch cũng xác định: bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên của Quần thể danh thắng Tràng An; quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và bảo tồn giá trị văn hóa tại Cố đô Hoa Lư, các làng nghề truyền thống, các cụm di tích và di tích đơn lẻ; tại khu vực này không phát triển công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng, mật độ cư trú phù hợp với công ước quốc tế và Luật Di sản văn hóa. Bảo tồn các vùng cảnh quan sinh thái đặc biệt quan trọng như: Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư theo quy định…
Theo quy hoạch, để phát triển đô thị cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện và nâng cấp các tiêu chí của các đô thị làm cơ sở nâng loại đô thị và hình thành đô thị mới phù hợp với quy hoạch và chương trình phát triển đô thị. Xây dựng thành phố Ninh Bình là đô thị “Văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường”, gắn phát triển đô thị Ninh Bình với phát triển dịch vụ du lịch kết nối khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An với khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư… Thực hiện cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị cũ kết hợp xây dựng mới thay thế công trình cũ không có giá trị, công trình không làm thay đổi lớn về cơ cấu sử dụng đất và cảnh quan kiến trúc đô thị cũ. Nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị cũ bao gồm cải tạo, nâng cấp vỉa hè, đường, ngõ, ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện theo quy hoạch, đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan, chỉnh trang đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp; phát động phong trào xây dựng nhiều tuyến phố văn minh, kiểu mẫu. Thực hiện quản lý, bảo đảm sử dụng đất đô thị đúng mục đích, đúng quy hoạch, tiết kiệm, có hiệu quả cao.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình, tỉnh đã có các giải pháp để phát triển đô thị đi đôi với bảo tồn bền vững các giá trị của Di sản. Đặc biệt, vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 138 về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính trực thuộc gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là “Đô thị Cố đô – Di sản”, dựa trên các giá trị độc đáo về địa tự nhiên – sinh thái, văn hóa – lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu; là trung tâm chính trị – hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình.
Theo quan điểm của kiến trúc sư Nguyễn Trung Dũng, Phó Giám đốc Viện Quy hoạch – Xây dựng Ninh Bình: Hiện nay, có sự phân định khá rõ một bên là đô thị hiện đại và một bên là khu vực Quần thể danh thắng Tràng An. Do vậy, chúng ra phải xác định phát triển và bảo tồn là hai nhiệm vụ song song, muốn đô thị Ninh Bình phát triển mang dấu ấn riêng, mang đặc trưng của một đô thị Cố đô – Di sản thì phần tiếp giáp với Di sản cần có quy hoạch cụ thể phân định rõ khu vực đô thị hiện đại, khu vực chuyển tiếp tiếp giáp với khu Di sản Tràng An, đảm bảo tính hài hòa, trong đó phải tính đến cả mật độ xây dựng, hình thái kiến trúc của khu vực tiếp giáp đó. Đồng thời cũng phải nghiên cứu cả kiến trúc của các công trình công cộng hay nhà ở dân cư, dịch vụ thương mại xuất hiện trong khu vực chuyển tiếp phải có màu sắc kiến trúc riêng biệt mang màu sắc văn hóa bản địa để không phá vỡ cảnh quan cũng như bảo tồn các giá trị truyền thống trong vùng đô thị.
Đánh giá về định hướng của tỉnh xây dựng đô thị Ninh Bình là “Đô thị Cố đô – Di sản”, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nêu ý kiến: Đô thị Hoa Lư – Ninh Bình trải qua hơn nghìn năm biến đổi, có lúc thu hẹp, có khi mở rộng và sự thu hẹp hay mở rộng này đều dựa trên cốt lõi Kinh đô Hoa Lư, trên cơ sở nền tảng di sản đô thành và đô thị Hoa Lư cổ truyền. Tính từ giữa năm 2014, khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, nhu cầu phát triển du lịch, phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa tăng cao, thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn quá trình đô thị hóa nông thôn, nâng dần cả đô thị và nông thôn ở vùng Kinh đô Hoa Lư xưa từng bước tiệm cận với mô hình đô thị Cố đô – Di sản.
Những giá trị nổi bật của đô thành – đế đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt, cũng như của đô thị – cảng thị trung đại tựa núi, nhìn sông, mở ra Biển Đông đầu tiên ở khu vực phía Bắc đã tạo lập các giá trị bản sắc đặc trưng nhất của không gian lịch sử – văn hóa Kinh đô Hoa Lư, làm nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh mẽ và lợi thế căn bản cho Ninh Bình có thể nâng tầm thành đô thị Cố đô – Di sản văn minh, hiện đại – thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cực tăng trưởng ở phía Nam châu thổ Sông Hồng. Đây cũng chính là nội dung cốt lõi, là cơ sở quan trọng hàng đầu để Ninh Bình nghiên cứu định dạng thương hiệu đô thị Hoa Lư – Ninh Bình trong định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Nguyễn Thơm