Bên cạnh các trụ cột kinh tế – xã hội và môi trường, văn hóa được xem là trụ cột thứ ba đảm bảo tính bền vững cho sự phát triển, là nền tảng tinh thần, là nguồn lực của sự phát triển. Ninh Bình đã nhìn rõ, trân trọng và khai thác tài nguyên này hữu dụng trong thực tiễn.
Nhìn rõ tài nguyên quý và định hương phát triển “xanh”
Mang dấu ấn đặc trưng riêng có của cộng đồng dân cư – văn hóa ra đời, tồn tại ở mỗi vùng, miền, quốc gia dân tộc qua quá trình sáng tạo, tích lũy lâu dài và lưu truyền bền bỉ, cùng với đó là sự tiếp biến, bắt nhịp với xu hướng thời đại mà vẫn đảm bảo những giá trị cốt lõi, văn hóa luôn được đặc biệt yêu quý và tự hào với người dân sở hữu cũng như có sức hấp dẫn tìm hiểu, giao lưu với đông đảo cư dân các vùng, miền, dân tộc khác.
Đây cũng là nguyên nhân khiến văn hóa được xem như một nguồn tài nguyên giàu có và sang trọng để phát triển kinh tế. Điều này không còn mới ở nhiều quốc gia như Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ở Việt Nam, vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu làm rõ, các nhà hoạch định chính sách định hướng, các địa phương đã và đang tổ chức thực hiện với những tín hiệu triển vọng. Ở Ninh Bình, văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng đã đóng góp quan trọng trong việc “định vị” giá trị thương hiệu cho địa phương. Từ một tỉnh thuần nông ở thời điểm tái lập (năm 1992), đến nay, Ninh Bình đã và đang có những bước chuyển biến đáng kể, trở thành một trong những chấm đỏ quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Địa thế địa kinh tế, địa văn hóa của Ninh Bình tương đối đặc biệt, nằm ở cuối tây nam của đồng bằng sông Hồng, có tài nguyên thiên nhiên đặc trưng trong vùng bán sơn địa chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, miền Bắc và miền Trung, là kinh đô đầu tiên của Đại Cồ Việt cách đây hơn 1000 năm. Ninh Bình có gần 2000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó di sản Tràng An là di sản đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á được UNESCO ghi danh là “di sản kép” khi đạt cả hai tiêu chí văn hóa và thiên nhiên.
Đây cũng là nơi được ví như cuốn biên niên sử nguyên vẹn về sự biến đổi địa chất, địa mạo và cảnh quan môi trường cùng truyền thống cư trú của loài người qua hơn 30.000 năm hình thành, biến đổi và phát triển. Những tài nguyên địa lý và văn hóa đó đã và đang được Ninh Bình kế thừa trong định hướng xây dựng và phát triển đô thị di sản cố đô thiên niên kỷ. Tỉnh đã chuyển hướng tập trung dành nguồn ngân sách đầu tư thỏa đáng cho hạ tầng vật chất và giao thông, phục dựng nhiều lễ hội, bảo tồn nhiều di tích, bồi dưỡng phát triển nếp sống văn hóa, phát triển du lịch.
Giai đoạn 2015-2020, chi đầu tư cho sự nghiệp văn hóa của Ninh Bình chiếm 3,37% tổng chi ngân sách toàn tỉnh; giai đoạn 2021-2025, chi đầu tư cho các công trình, dự án văn hóa chiếm 20% tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, đạt mức cao trong cả nước. Nguồn: số liệu của UBND tỉnh Ninh Bình năm 2022 |
Từ nhiều năm gần đây, Ninh Bình đã thực hiện đồng bộ các giải pháp – từ quy hoạch, xây dựng và hoạch định chính sách, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm đến tổ chức thực hiện phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác “thâm canh” dẫn đến “lạm dụng” và khiến tài nguyên thiên nhiên suy thoái sang tôn trọng và đầu tư mạnh cho việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa.
Việc triển khai mô hình huy động hợp tác công tư cũng bước đầu phát huy hiệu quả, đã được coi “là mô hình thành công kết hợp giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững với vai trò trung tâm của nhân dân mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên” – như đánh giá của bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESO tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Unesco về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Ninh Bình, tháng 9/2022).
Hiện thực tươi sáng và những điều còn trăn trở
Những thành công bước đầu của Ninh Bình đã và đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao” mà Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra. Điều này đã đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của chủ thể văn hóa là Nhân dân, xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Ninh Bình và cả Việt Nam.
Để tạo sức bền vững phát triển, sức bật vươn xa cho Ninh Bình và các tỉnh tương đồng, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Hồng, bên cạnh các chính sách ở tầm vĩ mô còn cần thêm cơ chế chỉ đạo, phối hợp: Thống nhất quan điểm phát triển toàn diện, bền vững, tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ giữa các địa phương; Tạo sự liên kết trong xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển của từng tỉnh, thành phố, phát huy thế mạnh riêng có, tạo sức mạnh chung, đảm bảo đồng bộ, hài hòa, hiệu quả, không xung đột, chia cắt, manh mún, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của các địa phương.
Với truyền thống lâu đời bền vững, Ninh Bình có thể phát huy hơn nữa niềm tự hào và tự tin khi bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, giá trị di sản để mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng có ý thức tự gìn giữ, phát huy nguồn tài nguyên quan trọng của mình trong sự phát triển toàn diện của đất nước. Và chúng ta có thể hy vọng một tương lai phát triển nhiều quả ngọt mới không xa.
Nguyễn Hải Minh