Những ngày đầu năm mới 2024, trên công trường Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông – Tây (giai đoạn I) không khí lao động luôn nhộn nhịp, khẩn trương. Đây là Dự án được đông đảo Nhân dân trong tỉnh quan tâm, chờ đợi, bởi khi Dự án hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển cho những khu vực còn khó khăn. Qua hơn 1 năm triển khai xây dựng, Dự án đang được thực hiện đúng tiến độ đề ra. Hình hài con đường lớn kết nối liên vùng, liên tỉnh đang dần hiện hữu.
Những ngày qua, công trường thi công Dự án tuyến đường Đông – Tây qua địa phận thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan luôn tấp nập xe chở vật liệu, máy xúc, máy lu… Hàng trăm kĩ sư, công nhân được các nhà thầu huy động, chia thành nhiều mũi thi công khẩn trương thực hiện Dự án. Những km đầu tiên của tuyến đã cơ bản hoàn thành, thảm asphalt và kết nối đoạn đầu tuyến đường Đông – Tây liên thông với nút giao lên đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45.
Nhìn con đường mới rộng thênh thang sắp được đưa vào sử dụng, ông Nguyễn Văn Trường, người dân phường Quang Sơn, thành phố Tam Điệp phấn khởi: “Con đường đi qua địa bàn thành phố đã mang một diện mạo khác. Sự thay đổi này không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông mà còn đánh dấu sự phát triển của địa phương. Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, chúng tôi rất phấn khởi. Mong rằng khi con đường hoàn thành sẽ tiếp tục tạo đà để phát triển kinh tế – xã hội cho thành phố trẻ”.
Theo đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông – Tây với tổng chiều dài 23km đoạn từ Tam Điệp (tại nút giao Đồng Giao, xã Quang Sơn) đến Nho Quan (giao với Quốc lộ 12 tại xã Văn Phong) với quy mô trước mắt 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cấp II (riêng đoạn đầu tuyến đến nút giao tuyến đường cao tốc Bắc – Nam với chiều dài 1,64km được đầu tư với quy mô 8 làn xe theo quy hoạch đô thị Tam Điệp). Đây là dự án giao thông kết nối liên vùng lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Ninh Bình, có ý nghĩa quan trọng nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch tuyến Kim Sơn – Nho Quan; kết nối giữa các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, các khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại khu vực thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan và các vùng lân cận. Tạo không gian, quỹ đất thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
Về công tác giải phóng mặt bằng trên tuyến, đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 20,2/22,9km. Trong đó, phạm vi dự án trên địa bàn thành phố Tam Điệp có chiều dài 6,627km. Đến nay, đã bàn giao được 6,627/6,627km, tuy nhiên, trong phạm vi bàn giao còn vướng 7 hộ có đất ở chưa bàn giao nhà ở, tài sản vật kiến trúc và trong phạm vi bàn giao còn vướng giải phóng mặt bằng tại một số vị trí đường điện.
Phạm vi Dự án trên địa bàn huyện Nho Quan có chiều dài 16,323km; diện tích đất bị ảnh hưởng 128,65ha. Đến nay đã bàn giao được 13,64/16,3km đất nông nghiệp (đạt khoảng 83,66% diện tích giải phóng mặt bằng), hiện còn vướng đất ở, đất vườn, một số công trình công cộng.
Về công tác xây lắp, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông – Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) do Liên danh xây dựng Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và Công ty TNHH Thành Trung thi công. Dự án được khởi công từ tháng 3/2022.
Ông Lê Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Thành Trung, đại diện nhà thầu cho biết: Hiện nay, nhà thầu đang tích cực triển khai thi công. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhà thầu đã tập trung toàn bộ máy móc, nhân lực, vật lực để thi công, không khí xây dựng trên công trường rất nhộn nhịp, khẩn trương và tập trung cao độ. Ngoài ra, nhà thầu tư vấn giám sát, chủ đầu tư đều thường trực có mặt trên công trường để giám sát chất lượng thi công, kỹ thuật cũng như đảm bảo tiến độ đề ra.
Hiện nay, đơn vị thi công đang triển khai thi công nền đường trên phạm vi 20,267/22,927km mặt bằng đã bàn giao. Cơ bản hoàn thành thảm asphalt và kết nối đoạn đầu tuyến đường Đông – Tây liên thông với nút giao lên đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45. Các nhà thầu đang tập trung thi công 70/110 cống ngang đường. Các cầu Ma Chanh, Sòng Vặn, Xuân Viên cơ bản hoàn thành, đang hoàn thiện mặt cầu và lan can; cầu Gốc Sung 2 đã thi công đúc 6 phiến dầm cầu.
Về phía chủ đầu tư cũng cho biết: Đối với vật liệu đắp nền đường được xác định từ 2 nguồn là điều phối dọc tuyến từ Đồi Ma Chanh thuộc Km7 – Km8 đến Km15+520 và mua từ mỏ Sòng Cầu, tại xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) mỏ gần nhất với Dự án để phục vụ đất đắp từ Km15+520 đến cuối tuyến, cung đường vận chuyển theo hướng Quốc lộ 12B về công trường với quãng đường vận chuyển ngắn chỉ từ 13-14,5km.
Đến nay, giá trị thực hiện Dự án đạt khoảng 35% so với hợp đồng. Để sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả Dự án, Chủ đầu tư đang phối hợp với các đơn vị có liên quan quyết tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đưa công trình vào khai thác trong năm 2025.
Nguyễn Thơm-Nguyễn Lựu-Trường Huy