Năm nay, huyện Nho Quan phấn đấu trồng 1.200 ha cây vụ đông, tuy nhiên do mưa lớn kéo dài ở đầu vụ đã làm chậm tiến độ sản xuất. Để vụ đông giành thắng lợi, huyện đang chỉ đạo các xã, HTX vận động nhân dân đẩy nhanh tiến độ xuống giống, khép kín diện tích theo kế hoạch.
Là địa phương có truyền thống sản xuất vụ đông của huyện Nho Quan, năm nào xã Yên Quang cũng chủ động xây dựng kế hoạch gieo cấy lúa mùa từ rất sớm, sử dụng các giống ngắn ngày để có quỹ đất trồng cây vụ đông. Năm nay xã đặt mục tiêu duy trì diện tích cây vụ đông là 200 ha, trong đó khoai sọ là cây trồng chủ lực chiếm 100 ha, còn lại là khoai lang, lạc, đậu, dưa chuột, khoai tây, rau xanh các loại.
Ông Bùi Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Quang cho biết: Giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác cây vụ đông đạt khoảng 110 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, do vậy mặc dù nhiều năm trở lại đây, thời tiết vụ đông liên tục có những diễn biến bất thường, gây khó khăn cho sản xuất nhưng bà con vẫn tích cực duy trì sản xuất. Năm nay cũng vậy, mưa lớn kéo dài đúng vào cao điểm xuống giống nên đã ảnh hưởng phần nào đến tiến độ sản xuất, diện tích một số cây ưa ấm không đạt như kế hoạch. Xã đang đôn đốc các HTX hướng dẫn bà con trồng thay thế bằng các cây trồng ưa lạnh, còn thời vụ như khoai tây, các loại rau ăn lá, dưa chuột, khoai sọ. Đồng thời, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vụ đông đã trồng, bảo đảm cho năng suất và giá trị cao.
Ông Nguyễn Văn Điền, thôn Yên Sơn, xã Yên Quang chia sẻ: Làm vụ đông tuy vất vả nhưng thu nhập trung bình cũng được 7-10 triệu đồng/sào nên bà con vẫn bảo nhau khắc phục khó khăn để trồng hết diện tích. Vụ này, gia đình tôi trồng 9 sào cây vụ đông, trong đó có 2 sào rau cải đang cho thu hoạch, thương lái đến mua tận ruộng với giá cả ổn định. Thu hoạch xong diện tích này, tôi lại tiếp tục trồng gối thêm lứa su hào phục vụ nhu cầu rau xanh dịp cuối năm. Cùng với xã Yên Quang, hiện nay, nông dân các xã Đồng Phong, Lạng Phong, Sơn Lai, Văn Phương, Thạch Bình… cũng đang tích cực ra đồng xuống giống, chăm sóc cây vụ đông.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng bí xanh của gia đình anh Nguyễn Hữu Hoàn, xã Đồng Phong. Vừa nhanh tay lựa những quả bí xanh đạt kích thước thương phẩm để cắt bán cho thương lái, anh Hoàn vừa phấn khởi cho biết: Trước đây, diện tích này anh chủ yếu trồng rau dưa các loại nhưng do giá cả không ổn định nên mấy năm vừa qua anh đã chuyển sang trồng bí xanh. Ưu điểm của loại cây này là dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu rét tốt, ít sâu bệnh, đặc biệt quả dễ bảo quản, vận chuyển và đầu ra khá thuận lợi. Một sào bí gia đình anh thu lãi khoảng 4-5 triệu đồng.
Vụ đông năm nay, huyện Nho Quan xác định phát triển sản xuất theo hướng tập trung, hàng hóa. Đa dạng hóa cây trồng và bố trí thời vụ gieo trồng hợp lý, trồng rải vụ nhằm giảm áp lực lao động và tiêu thụ sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương như: Khoai sọ, khoai lang, ngô ngọt, lạc, các loại cây dược liệu. Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, các công nghệ mới trong bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Toàn huyện phấn đấu gieo trồng 1.200 ha cây trồng vụ đông các loại.
Ông Bùi Văn Thể, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan cho biết: Đến nay, toàn huyện đã trồng được trên 700 ha cây đông, đạt gần 60% kế hoạch. Để bù đắp diện tích cây ưa ấm không đạt, huyện đang chỉ đạo các xã huy động mọi nguồn lực, trồng thay thế bằng cây ưa lạnh như: khoai tây, hành, ớt, rau xanh các loại… Để bà con yên tâm sản xuất, huyện khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu