Vừa qua, tại Nhà văn hóa thôn Bãi Cả, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan đã tổ chức phục dựng nghi lễ Mo Mường-đây là niềm tự hào, di sản thiêng liêng của người Mường.
Ông Mo Đinh Văn Tân, thôn Bãi Cả cho biết: Mo là bài ca nghi lễ thiêng liêng để đưa tiễn linh hồn người chết về với tổ tiên và cõi vĩnh hằng. Mo là phương tiện để người sống và người chết giao tế với nhau và hiểu nhau hơn. Nghe Mo để những người đang sống phải soi mình, để sống tốt hơn, cố gắng làm nhiều điều thiện. Mo Mường gồm Mo sử thi đẻ đất, đẻ nước (Mo kể chuyện), Mo lên trời (Mo dẫn đường)…
Những bài Mo là những câu chuyện dài, cần người am hiểu cuộc sống, văn hóa người Mường, giọng kể truyền cảm, hấp dẫn mới tạo cho bài Mo ý nghĩa. Hiện nay, tôi đang truyền dạy cho thành viên CLB hát giao duyên tiếng Mường xã Cúc Phương để lưu giữ nét đẹp văn hóa độc đáo của người Mường.
Xã Cúc Phương có gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Những năm gần đây, do sự giao thoa biến đổi về văn hóa trong quá trình hội nhập, dẫn đến nhiều di sản văn hóa của người Mường bị mai một, trong đó có các nghi lễ truyền thống.
Đồng chí Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Trên địa bàn xã Cúc Phương hiện có nhiều hoạt động góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Mường, đó là việc xây dựng các đội văn nghệ khu dân cư, thành lập các đội cồng chiêng; tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nhà sàn truyền thống; tiếp tục vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động mang tính bảo tồn văn hóa, đặc biệt là Dự án 6-Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để góp phần vừa khôi phục, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, huyện Nho Quan đã và đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đa dạng, phong phú, với 317 di tích được kiểm kê, trong đó có 65 di tích được xếp hạng các cấp (11 di tích cấp quốc gia, 54 di tích cấp tỉnh); 110 di sản văn hóa phi vật thể, gồm: 44 lễ hội truyền thống, 19 di sản về nghệ thuật trình diễn dân gian, 17 tập quán xã hội và tín ngưỡng, 16 di sản về tri thức dân gian, 7 di sản về ngữ văn dân gian, 5 nghề thủ công truyền thống, 2 di sản về tiếng nói của các dân tộc thiểu số. Đây là nền tảng quan trọng, là nguồn lực phát triển của huyện trong công cuộc xây dựng NTM, hướng đến phát triển các thiết chế mới trong xã hội nông thôn hiện đại, giàu bản sắc.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, bên cạnh việc phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất của người dân, huyện Nho Quan luôn chú trọng triển khai sâu rộng, đồng bộ mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, nhất là di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mường chiếm 17% dân số toàn huyện).
Các cấp, các ngành đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm giúp đồng bào hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Gắn bảo tồn di sản văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của từng địa phương, đơn vị; đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tính đến hết năm 2023, toàn huyện có 86,1% hộ gia đình, 97,9% thôn, xóm, bản, tổ dân phố và 86,6% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa luôn được quan tâm. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được quan tâm thực hiện, đã tạo được sự đồng thuận và huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia. Công tác bảo tồn, khôi phục, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương trong xây dựng NTM luôn được quan tâm thực hiện như: Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Chèo tại các xã Sơn Lai, Gia Thủy, Đồng Phong, Văn Phú, Sơn Thành; hát Chầu văn tại Phủ đồi Ngang, đền Cô Đôi, phủ Quèn Thạch; đưa các trò chơi dân gian và các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy tại các trường học…
Công tác bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Mường được triển khai trong đời sống văn hóa ở cơ sở. Đồng bào Mường đã đưa tiếng cồng, tiếng chiêng trở lại trong các hoạt động văn hóa cộng đồng; có trên 80% người dân tộc Mường sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng; 90% hộ gia đình là người dân tộc Mường thường xuyên giao tiếp bằng tiếng dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày, chú trọng tổ chức các hoạt động truyền dạy cho thế hệ trẻ. Các món ăn đặc sản mang đậm bản sắc của vùng đồi núi, như xôi trứng kiến, thịt dê, thịt lợn Mường, ốc núi, rượu cần, rượu men lá… được phục hồi để đưa vào phục vụ khách tham quan tại các khu, điểm du lịch.
Đến nay, toàn huyện có 26/26 xã hoàn thành tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa NTM, 286/286 thôn có nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi, luyện tập thể dục thể thao đạt tiêu chuẩn theo quy định, bảo đảm đủ điều kiện phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân địa phương.
Đặc biệt, huyện quan tâm bảo tồn, phục dựng lại không gian sinh hoạt đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, đầu tư kinh phí xây dựng mới, sửa chữa nhà sàn, nhà văn hóa thôn, bản làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Quan tâm duy trì tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan; thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”…
Với những định hướng, giải pháp đồng bộ, Nho Quan đã huy động được các nguồn lực đầu tư cho công cuộc xây dựng NTM nói chung, công tác bảo tồn di sản văn hóa nói riêng. Năm 2022, huyện Nho Quan được công nhận là huyện NTM, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Bài, ảnh: Phương Anh