Thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID – 19” (gọi tắt là Chương trình 1 triệu sáng kiến) do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện và nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội, được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao.
Hưởng ứng Chương trình 1 triệu sáng kiến, chị Đỗ Thị Bích Phượng, đoàn viên Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi để thực hiện sáng kiến: “Sử dụng bàn chông đẩy cây giống ra khỏi khay xốp”, giúp người dân giảm được khá nhiều chi phí sản xuất.
Chị Đỗ Thị Bích Phượng cho biết: Trước đây, người dân phải lấy từng cây giống trong khay ra để trồng nên mất nhiều thời gian và chi phí nhân công. Từ khi áp dụng phương pháp này đã giảm được đáng kể thời gian, công sức lấy cây giống ra khỏi khay; cách thực hiện lại khá đơn giản, dễ làm.
Qua thử nghiệm phương pháp sử dụng bàn chông đẩy cây giống cho cây dưa chuột, đã giảm được giá thành cây giống là 1.050.000 đồng/325 khay, tương đương với giảm chi phí trên 1 ha sản xuất là 1.050.000 đồng. Phương pháp này có thể áp dụng cho các cây trồng su hào, cải bắp, súp lơ, cà chua, bí xanh… Vì vậy, khi áp dụng trồng cho 1.000 ha rau vụ đông các loại trên địa bàn tỉnh, sẽ tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng chi phí nhân công, giúp nâng cao thu nhập cho người trồng.
Hiện phương pháp này đã được áp dụng tại 2 nhà vườn và đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhân rộng tại các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn toàn tỉnh.
Hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp, đoàn viên Bùi Phương Tuấn, Tổ trưởng tổ thiết bị, Phòng Cơ điện, Công ty cổ phần sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTMV2) luôn tích cực tìm tòi phương pháp cải tiến kĩ thuật để áp dụng vào sản xuất. Trong đó sáng kiến “Cải tạo phương pháp làm mát cho buồng pha sơn (mini room) để tiết kiệm điện” đã đem lại hiệu quả hoạt động cho thiết bị một cách tối ưu, giảm tiêu thụ điện năng, an toàn trong quá trình sản xuất, góp phần giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí phát sinh về điện năng tiêu thụ không đáng có trong quá trình nhà máy không sản xuất 1 năm là 6.537.400.000 đồng.
Ngoài các sáng kiến trên, còn rất nhiều sáng kiến trên các lĩnh vực được áp dụng vào thực tiễn đã thể hiện được sự sáng tạo của người lao động, góp phần quan trọng vào việc ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.
Theo thống kê, sau gần 2 năm thực hiện Chương trình, tính đến hết ngày 31/8/2023, toàn tỉnh đã có 3.283 lượt người đăng ký tham gia Chương trình, với 19.330 sáng kiến được cập nhật vào Chương trình, đạt 184% chỉ tiêu toàn bộ Chương trình (vượt 8.830 sáng kiến), trong đó có 19.011 sáng kiến hợp lệ, 319 sáng kiến đang xem xét, tổng giá trị làm lợi là 4.563 tỷ đồng.
Đồng chí Trần Kim Long, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Chương trình 1 triệu sáng kiến nhằm phát huy ý tưởng sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong công nhân lao động, cùng cả nước tích cực phòng, chống dịch bệnh, đồng thời duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Vì vậy, ngay khi Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động Chương trình 1 triệu sáng kiến, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã đưa ra kế hoạch cụ thể, hướng dẫn kịp thời, liên tục để đoàn viên, người lao động tham gia chương trình, yêu cầu triển khai đến 100% Công đoàn cơ sở. Đăng ký phấn đấu đóng góp ít nhất 11.000 sáng kiến. Đồng thời, phân bổ chỉ tiêu cho từng Công đoàn cấp trên cơ sở.
Xác định việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên, công nhân viên chức lao động tham gia Chương trình là điều kiện tiên quyết để quyết định thành công của Chương trình, LĐLĐ tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình thông qua hội nghị giao ban hàng tháng, hội nghị của các cụm thi đua; trên cổng thông tin điện tử, website, trang facebook Công đoàn Ninh Bình, zalo nhóm, các bài viết…; xây dựng video/clip hướng dẫn cách thức đăng nhập, cập nhật sáng kiến trên trang Youtube dễ hiểu, tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức lao động cũng như sự ủng hộ, tạo điều kiện của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, mở chiến dịch thi đua cao điểm nhằm thúc đẩy sự quyết tâm của các cấp Công đoàn và đoàn viên tham gia Chương trình… Nhờ vậy Chương trình đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong đoàn viên, công nhân viên chức lao động.
Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ các huyện, thành phố và Công đoàn ngành đã giao chỉ tiêu cho các Công đoàn cơ sở. Phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động quán triệt nội dung Chương trình tới đoàn viên, công nhân viên chức lao động; quan tâm hỗ trợ, tạo thuận lợi để đoàn viên, người lao động có điều kiện nghiên cứu thực hiện sáng kiến. Phân công cán bộ phụ trách thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin và lập nhóm Zalo với cán bộ Công đoàn cơ sở phụ trách để thường xuyên tương tác, hướng dẫn chi tiết quy trình cập nhật sáng kiến, giúp Công đoàn cơ sở nhanh chóng bắt nhịp và phổ biến đến từng đoàn viên, người lao động…
Hiểu được ý nghĩa to lớn của Chương trình, các Công đoàn cơ sở đã tích cực hưởng ứng và tham gia. Đồng chí Trương Văn Tuyên, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn) cho biết: Công đoàn Công ty đã phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công nhân lao động; báo cáo và phối hợp với Ban lãnh đạo công ty triển khai, tuyên truyền sâu rộng đến toàn bộ đoàn viên công đoàn. Định kỳ họp đánh giá kết quả thực hiện tại các tổ Công đoàn, hướng dẫn đoàn viên công đoàn có sáng kiến cải tiến hoàn thiện báo cáo, đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của công ty.
Qua đó, kịp thời tổng hợp các sáng kiến mang lại hiệu quả để báo cáo Ban lãnh đạo công ty phê duyệt khen thưởng, từ đó khuyến khích đoàn viên công đoàn công ty tham gia hăng hái.
Kết quả, đã có 704 sáng kiến được đăng nhập trên Chương trình 1 triệu sáng kiến, năm 2021, 2022 có 8 sáng kiến được tặng Bằng Lao động sáng tạo và Bằng khen UBND tỉnh, năm 2023 có 1 sáng kiến đang đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.
Chương trình 1 triệu sáng kiến đã phát huy tinh thần nỗ lực thi đua vượt khó, đổi mới sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm của đông đảo đoàn viên, người lao động. Từ đó góp phần phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập, quyền lợi cho người lao động.
Bài, ảnh: Kiều Ân