Những năm gần đây, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại Ninh Bình diễn ra sôi nổi, tạo sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng nông thôn, miền núi, góp phần tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…
Bà Đàm Ngọc Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: Hoạt động đưa văn hóa về cơ sở, hướng về cơ sở được ngành Văn hóa chú trọng thực hiện nhằm làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng nông thôn, miền núi, góp phần hoàn thiện tiêu chí văn hóa trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu tại các địa phương. Thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã có nhiều giải pháp để triển khai đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa cơ sở, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc hội diễn, liên hoan, giao lưu văn nghệ quần chúng hàng năm, tạo sân chơi lành mạnh cho các hạt nhân văn nghệ tại địa phương, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Các chương trình liên hoan, giao lưu ghi dấu ấn trong lòng công chúng yêu văn nghệ và nhân dân địa phương đó là: Liên hoan Nghệ thuật quần chúng năm 2023 tại sân khấu thủy đình, Phố cổ Hoa Lư; Liên hoan tiếng hát người cao tuổi tỉnh Ninh Bình năm 2023; chương trình giao lưu văn nghệ phục vụ kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2023; Liên hoan các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống không chuyên tỉnh Ninh Bình năm 2023… Để tham gia các hội diễn, liên hoan, giao lưu, các câu lạc bộ nghệ thuật tại các địa phương đã tích cực luyện tập, lựa chọn các tiết mục hay, nhân tố tích cực, tạo không khí sôi nổi, vui tươi tại nhà văn hóa các thôn, xóm.
Bà Hoàng Thị Thuần, đội văn nghệ Hội Người cao tuổi xã Liên Sơn (Gia Viễn) phấn khởi chia sẻ: Năm 2023 là năm nhiều niềm vui và ý nghĩa của Đội văn nghệ Hội Người cao tuổi xã khi chúng tôi được luyện tập, tham gia Liên hoan tiếng hát người cao tuổi cấp huyện, cấp tỉnh và đều giành giải cao, được Hội Người cao tuổi tỉnh lựa chọn tham gia Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và giành giải B.
Để có được những tiết mục văn nghệ đặc sắc biểu diễn tại các liên hoan, hội diễn, giao lưu, ngoài sự nỗ lực của các câu lạc bộ, các đội văn nghệ, còn là sự tâm huyết, trách nhiệm của từng cá nhân – hạt nhân văn nghệ tại các địa phương. Hoạt động truyền dạy, tập huấn các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát văn, hát chèo, sử dụng nhạc cụ dân tộc… được Trung tâm Văn hóa tỉnh chú trọng. Trung tâm đã mời đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, nhất là những nghệ nhân, nghệ sỹ Nhà hát Chèo Ninh Bình về trực tiếp tại các địa phương để truyền dạy. Trong khoảng thời gian từ 10-15 ngày, với giáo án phù hợp, các lớp tập huấn đã đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ hạt nhân văn nghệ tại các cơ sở các làn điệu chèo cổ, chèo cải biên, hát văn, sử dụng đàn, sáo, nhị, trống… Năm 2023 đã có 3 lớp bồi dưỡng, truyền dạy hát chèo, hát xẩm và sử dụng nhạc cụ dân tộc được tổ chức tại huyện Hoa Lư, Yên Khánh và Gia Viễn.
Một hoạt động cũng được Trung tâm Văn hóa tỉnh chú trọng thực hiện trong nỗ lực đưa văn hóa về cơ sở là hoạt động chiếu phim, nhất là chiếu phim lưu động tại các vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh. Năm 2023, Trung tâm đã tổ chức được 432 buổi chiếu phim lưu động phục vụ cán bộ và nhân dân các xã và các cơ quan, đơn vị có nhu cầu. 4 đợt phim được tổ chức chiếu đều phục vụ tuyên truyền các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh như: Đợt phim kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đợt phim kỷ niệm 69 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ; Chiếu phim hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 và hướng tới kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ; đợt phim kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh 2/9; chiếu phim phục vụ cán bộ và nhân dân các huyện Hoa Lư, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình…
Bà Nguyễn Thị Minh, Câu lạc bộ chèo xã Khánh Cường (Yên Khánh) bày tỏ: Năm 2023, Câu lạc bộ chèo xã Khánh Cường được tham gia nhiều hội diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng, qua đó đã tạo động lực thúc đẩy Câu lạc bộ tích cực luyện tập để có được những tiết mục hay, trình diễn cho bà con nhân dân địa phương trong và ngoài huyện thưởng thức. Chúng tôi mong muốn tỉnh, huyện và ngành Văn hóa tiếp tục quan tâm tổ chức nhiều chương trình giao lưu, hội diễn, liên hoan để các câu lạc bộ được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm,, cùng nhau gìn giữ, bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc…
Những năm qua, sự quan tâm của tỉnh đối với lĩnh vực văn hóa được thể hiện rõ nét qua các chủ trương, chính sách, qua việc hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh tới cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 142/143 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, đạt 99,30%; có 1.609/1.679 khu dân cư, đạt 95,83% khu dân cư có nhà văn hóa gắn với sân thể thao, đáp ứng nhu cầu tổ chức các sinh hoạt chính trị, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí của người dân. Toàn tỉnh hiện có 2 CLB cấp tỉnh, 181 CLB cấp huyện và 837 tổ, đội, nhóm văn nghệ quần chúng, 670 CLB TDTT cơ sở.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa văn hóa về cơ sở, theo bà Đàm Ngọc Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh: Năm 2024, Trung tâm Văn hóa tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống cho các đơn vị văn hóa cơ sở. Đồng thời duy trì hoạt động câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống của đơn vị để làm mẫu chuẩn hướng dẫn hoạt động cơ sở. Bên cạnh đó, tiếp tục có kế hoạch cụ thể để tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng… nhằm khơi dậy sức sáng tạo, đam mê, tâm huyết và trách nhiệm của những hạt nhân văn nghệ đối với các hoạt động tại cơ sở. Qua đó góp phần đưa phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các địa phương trong tỉnh phát triển, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng nông thôn, miền núi.
Phan Hiếu