Với chủ đề “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn”, Ngành Công thương Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng xuyên suốt năm 2024. Trong đó, tập trung vào tháng 3 và các mốc thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng.
Đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết: một trong những hoạt động quan trọng để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đó là tăng cường công tác tuyên truyền. Do đó, Hội đã thường xuyên phối hợp với Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Sở Công Thương đăng, phát nhiều tin bài trên báo, đài, website tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn Luật nhằm giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng để tự bảo vệ mình, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trách nhiệm về cung cấp thông tin hàng hóa, dịch vụ trung thực; đo lường chính xác; trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay được tập trung tổ chức trong tháng 3 và kéo dài trong cả năm 2024 với chủ đề “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn”. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh sẽ tổ chức các chương trình tư vấn, hỗ trợ và tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; triển khai chương trình khuyến mại, tri ân người tiêu dùng…
Để người dân trong tỉnh hiểu hơn về ý nghĩa của Ngày Quyền của người tiêu dùng, Hội đã phối hợp với các địa phương thực hiện treo băng rôn, biểu ngữ, cờ phướn, khẩu hiệu tuyên truyền, phát tờ rơi… hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại các trụ sở cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ, siêu thị, trên các tuyến phố,…
Các nội dung tuyên truyền như: An toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trực tuyến; Bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng trong thương mại điện tử; Người tiêu dùng có quyền được cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin khi giao dịch; Coi trọng quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng; Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; Xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyến minh bạch, công bằng và an toàn cho người tiêu dùng; Đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất phát triển; Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững; Không sản xuất và tiêu dùng sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội; Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại diện Ban Quản lý chợ Kim Đồng, thành phố Ninh Bình cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều phối hợp với các ngành chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm, phát loa tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ trong tiêu dùng đến các tiểu thương và người tiêu dùng. Đợt cao điểm này, chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, như: treo băng rôn khu vực chợ và phát tờ rơi tuyên truyền…
Ông Ngô Minh Kim, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cũng cho biết: Năm 2023, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã tổ chức phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho 180 đại biểu là cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Ninh Bình và đại diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng những quyền cơ bản như quyền lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh…
Bên cạnh đó, Hội cũng giới thiệu thêm những chiêu thức lừa đảo mới và một số tình huống cụ thể trong giao dịch, mua bán làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng; một số kiến thức, kỹ năng, cách phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; các hành vi bán hàng đa cấp bị cấm để đề phòng, cảnh giác.
Cùng với đó, Sở Công Thương đã phối hợp, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tri ân khách hàng và tổ chức sự kiện công cộng nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ bảo hành sản phẩm, hỗ trợ tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn, tiết kiệm và các hoạt động tri ân khác. Yêu cầu các đơn vị quản lý chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Cùng với các cơ quan chức năng quản lý, kiểm tra, giám sát thì bản thân người dân cần nâng cao kiến thức tiêu dùng thông minh,, an toàn, chủ động tìm hiểu, nắm được các quyền lợi khi giao dịch, mua bán.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm