Phát triển đảng viên, quản lý đảng viên, nâng cao chất lượng đảng viên mới, luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều cấp ủy trên địa bàn tỉnh, nhất là trong bối cảnh áp lực về chỉ tiêu giao kết nạp Đảng hàng năm ngày càng tăng, trong khi nguồn kết nạp Đảng ngày càng khan hiếm. Trước thực trạng đó, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt, chủ động, tạo bước chuyển tích cực cho công tác này.
Là một trong những địa phương có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên là người có tôn giáo, đồng chí Trần Văn Viễn, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Kim Sơn chia sẻ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện làn thứ 24, nhiệm kỳ 2020-2025, trung bình mỗi năm Đảng bộ huyện Kim Sơn kết nạp 200 đảng viên, trong đó có hơn 20 đảng viên là người có đạo.
Năm 2023-năm đầu tiên thực hiện chỉ tiêu kết nạp theo Nghị quyết số 21 ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, thì tỉ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm phải đạt từ 3% trở lên trên tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện, do vậy chỉ tiêu kết nạp được điều chỉnh tăng so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24.
Đây là một chỉ tiêu gặp nhiều khó khăn nếu không có sự vào cuộc quyết liệt cấp ủy, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Song với tinh thần đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trong huyện triển khai làm tốt công tác tạo nguồn bồi dưỡng phát triển đảng viên với phương châm số lượng đi kèm chất lượng.
Cũng theo đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Kim Sơn: Xuất phát từ tình hình thực tiễn nguồn kết nạp đảng viên ngày càng khó khăn, một số quần chúng ưu tú ở các thôn, xóm, khối phố, trong đó nhiều trường hợp là trưởng thôn (xóm)-những nhân tố rất tích cực, có uy tín với nhân dân và có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng nhưng lại chưa tốt nghiệp THCS. Do vậy, không đủ điều kiện để kết nạp vào Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng.
Nhằm góp phần nâng cao trình độ văn hóa, tạo nguồn bồi dưỡng phát triển đảng viên, nguồn cán bộ cho cơ sở ở vùng có đông đồng bào theo đạo, Ban Tổ chức Huyện ủy đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo mở các lớp học theo chương trình bổ túc văn hóa bậc THCS cho cán bộ, hội viên các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở.
Kết thúc năm học 2022-2023, toàn huyện có 56/56 học viên đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp bổ túc THCS, góp phần nâng cao trình độ văn hóa, tạo nguồn bồi dưỡng phát triển đảng viên, nguồn cán bộ cho cơ sở. “Những học viên này sẽ được các tổ chức đảng ở cơ sở tiếp tục quan tâm, theo dõi, bồi dưỡng để xem xét giới thiệu kết nạp Đảng, bảo đảm đủ tiêu chuẩn và quy trình, quy định”-đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Kim Sơn cho biết thêm.
Cùng với Kim Sơn, nhiều Đảng bộ trong tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên. Theo đó, đã tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 13/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể chính trị – xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; thực hiện Chỉ thị 05 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển đảng viên giai đoạn 2021 – 2025″… Nhằm kịp thời gỡ khó cho công tác kết nạp đảng viên, nhiều Đảng bộ huyện đã phân công cấp ủy viên phụ trách địa bàn, sâu sát cơ sở, thực hiện tốt việc tạo nguồn kết nạp Đảng; chú trọng tuyên truyền, thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đẩy mạnh bồi dưỡng, kết nạp Đảng những đoàn viên ưu tú, trưởng thành trong lao động, học tập; quan tâm phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên, công nhân, cán bộ quản lý trong doanh nghiệp, khu vực ngoài Nhà nước, người có tôn giáo.
Đặc biệt, các cấp ủy đã đẩy mạnh bồi dưỡng, kết nạp Đảng trong học sinh, sinh viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, trình độ của đảng viên mới, từng bước trẻ hóa đội ngũ đảng viên.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực cùng tinh thần quyết tâm cao của mỗi cấp ủy, công tác phát triển đảng viên trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả ấn tượng. Năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập được 12 tổ chức đảng, đạt 120% chỉ tiêu được giao, kết nạp được 11 đảng viên là chủ doanh nghiệp, toàn tỉnh kết nạp được 2.360 đảng viên mới, đạt 104,75% kế hoạch năm, nâng tổng số đảng viên trong toàn tỉnh là 75.180 đảng viên với 663 tổ chức cơ sở đảng.
Trong đó, nhiều Đảng bộ hoàn thành vượt chỉ tiêu kết nạp Đảng như: Đảng bộ huyện Nho Quan, kết nạp được 320 đảng viên, vượt 9,2%; Đảng bộ huyện Hoa Lư vượt 10,9%; Đảng bộ thành phố Ninh Bình vượt 3,1%, Đảng bộ huyện Yên Mô vượt 7,4%, Đảng bộ huyện Kim Sơn vượt 3,6%, Đảng bộ Công an tỉnh vượt 56,3%.
Công tác quản lý đảng viên trong giai đoạn hiện nay được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên sẽ góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên.
Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương triển khai ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”, đồng thời giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm tại Đảng bộ huyện Yên Mô để rút kinh nghiệm triển khai trong toàn tỉnh. Đến nay, toàn huyện có trên 90% đảng viên đã được cài đặt, đăng nhập tài khoản. Theo thống kê, trung bình mỗi tháng có trên 20.000 lượt đảng viên truy cập ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”; có 5.413 đảng viên sử dụng tài khoản để đăng nhập hàng tháng.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Mô chia sẻ: Việc triển khai “Sổ tay đảng viên điện tử” cho thấy hiệu quả rõ nét bởi những tiện ích từ tính năng của ứng dụng này mang lại, nhất là việc chuyển tải thông tin về công tác Đảng, chính quyền đến đảng viên. Các nội dung sinh hoạt cũng như ngày, giờ sinh hoạt được cập nhật thông qua sổ tay điện tử, từ đó giúp đảng viên chủ động hơn trong việc tham gia sinh hoạt cũng như góp ý xây dựng Nghị quyết chi bộ. Mặt khác, các đảng viên đi làm ăn xa thông qua sổ tay điện tử kịp thời nắm bắt tình hình của chi bộ, các cấp ủy cũng thuận lợi hơn trong công tác quản lý đảng viên.
Những kết quả triển khai thí điểm “Sổ tay đảng viên điện tử” ở Đảng bộ huyện Yên Mô là kinh nghiệm quý, làm căn cứ, cơ sở để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo triển khai ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Với những cách làm đổi mới, sáng tạo của các địa phương, đơn vị trong phát triển, quản lý đảng viên đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bài, ảnh: Mai Lan