Dự án xây dựng Nhà hát tỉnh Ninh Bình là một thiết chế quan trọng trong lĩnh vực văn hóa ở địa phương; tạo điểm nhấn kiến trúc cho đô thị lõi của thành phố di sản tương lai, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và khách du lịch. Sau 33 tháng thi công, dự án đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, được tổ chức khánh thành chào mừng kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Công trình kiến trúc hiện đại
Công trình Nhà hát tỉnh Ninh Bình là dự án có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của Nhân dân. Với cơ sở vật chất hiện đại sẽ đáp ứng nhu cầu giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp; phục vụ tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo của tỉnh; tạo không gian riêng cho các hoạt động cộng đồng, khuyến khích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, công trình sẽ là điểm tham quan lý tưởng của khách du lịch khi đến với Ninh Bình; đồng thời là nơi làm việc của một số đơn vị sự nghiệp công lập ngành Văn hóa để thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.
Đồng chí Tống Đức Long, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng và mục tiêu đầu tư của dự án, HĐND tỉnh đã quyết định đầu tư dự án xây dựng Nhà hát tỉnh Ninh Bình.
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý tổ chức thi tuyển kiến trúc nhằm lựa chọn phương án tối ưu nhất, hiệu quả nhất để triển khai thực hiện. Quá trình thi tuyển kiến trúc đã thu hút được rất nhiều đơn vị có năng lực, kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc tham gia, qua đó lựa chọn được phương án kiến trúc tối ưu nhất để thực hiện. Phương án được chọn có phong cách kiến trúc hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển. Giải pháp thiết kế giải quyết được cảm giác bức bối trong không gian nhỏ của diện tích khu đất do công trình được thiết kế hợp khối, kết hợp hài hòa giữa Nhà hát và trụ sở làm việc của đơn vị trực thuộc ngành Văn hóa.
Với vị trí xây dựng ở trung tâm thành phố Ninh Bình, công trình Nhà hát tỉnh là điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan đô thị và văn hóa của Thành phố, được xây dựng tại khu đất có diện tích 6.453 m2 với quy mô đầu tư gồm 3 khối: Khối phục vụ biểu diễn, tập trung đông người có khu khán phòng hình e-líp công suất chứa 750 người, diện tích xây dựng khoảng 1.892 m2; khối trụ sở làm việc và triền bậc thang lên mái; diện tích xây dựng khoảng 956 m2 ; khối tầng hầm phục trợ và kỹ thuật, diện tích xây dựng 2.816 m2 .
Theo thiết kế, công trình Nhà hát tỉnh bao gồm đầy đủ hạ tầng kỹ thuật như sân vườn tiểu cảnh, nhà để xe ô tô, kho kỹ thuật, nhà để máy phát điện… Các hạng mục phụ trợ khác bao gồm: thang máy, hệ thống sàn nâng hố nhạc, hệ thống điều hòa không khí, thiết bị cấp nước trong nhà và hệ thống lọc nước múa rối, thiết bị hệ thống PCCC, hệ thống điện nhẹ, hệ thống âm thanh, ánh sáng và doanh cụ khối làm việc, hội trường. Công trình xác định có thời hạn sử dụng từ 50 đến 100 năm.
Ông Cao Hùng Sơn, Công ty TNHH đầu tư sản xuất và thương mại Xuân Thịnh, đại diện nhà thầu thi công cho biết: Đây là công trình có kiến trúc đặc biệt và ý nghĩa văn hóa sâu sắc, là điểm nhấn trong cảnh quan đô thị Ninh Bình. Do vậy, nhà thầu luôn xác định việc thi công phải đề cao yếu tố kỹ, mỹ thuật; quá trình thi công nhà thầu cũng luôn tham vấn ý kiến của các chuyên gia, kiến trúc sư cũng như chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, giám sát. Công ty cũng đầu tư các trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ các phần việc xây dựng kỹ thuật cao.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa
Được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, luôn bám sát sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan để triển khai các bước của dự án, từ chuẩn bị đầu tư, tổ chức thi công xây lắp đến việc tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng đúng quy trình, quy phạm.
Đồng chí Tống Đức Long, đại diện Chủ đầu tư chia sẻ: Dự án xây dựng Nhà hát tỉnh là dự án tương đối phức tạp, có thời gian thực hiện dài, do đó trong quá trình thực hiện, dự án không tránh được phải điều chỉnh. Với phương châm “tiến độ là quan trọng nhưng phải đặt chất lượng và an toàn lên hàng đầu”, trong quá trình thi công, chủ đầu tư, các nhà thầu đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, miệt mài lao động, luôn bám sát hiện trường, không quản diễn biến phức tạp của thời tiết và đại dịch COVID-19 để triển khai thực hiện dự án, bảo đảm thời gian yêu cầu. Sau 33 tháng thi công, dự án đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, thẩm mỹ theo đúng thiết kế.
Để có được kết quả trên, trong quá trình thi công, chủ đầu tư và các nhà thầu đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, động viên khích lệ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình, tạo khí thế và niềm tin cho lực lượng tham gia thực hiện dự án. Đồng thời, dự án đã nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của nhân dân trong vùng dự án. Đây thực sự là thuận lợi lớn, là nguồn động viên khích lệ những người thực hiện dự án mà không phải ở đâu cũng có được.
Ninh Bình đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, với mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Chính vì vậy, bên cạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản để phát triển du lịch, tỉnh đang tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, đặc sắc, điều này không chỉ tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị mà còn góp phần bồi đắp các giá trị tinh thần, định hình và giữ vững bản sắc văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư, tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch…
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục có chủ trương đầu tư các dự án như: Tổ hợp Bảo tàng-Thư viện tỉnh; dự án Trung tâm biểu diễn và tổ chức sự kiện văn hóa tỉnh… Đây sẽ là những thiết chế văn hóa tiêu biểu không chỉ mang tầm vóc của một đô thị hiện đại mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Ninh Bình phát triển.
Nguyễn Thơm