Một buổi sáng mùa thu, trời lất phất mưa, tôi cùng mế Năm (cách mà người dân bản thường gọi bà Bùi Thị Năm) tham dự buổi tập luyện văn nghệ của các thành viên CLB Hát giao duyên tiếng Mường thôn Đồng Trung do mế Năm làm Chủ nhiệm. Giới thiệu cho chúng tôi nghe về những đạo cụ của CLB như chiêng, cồng, nhị…, đôi mắt mế Năm ánh lên niềm tự hào, mế bảo: Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ, mà còn là linh hồn của người Mường. Tiếng chiêng gọi mùa, gọi mưa, gọi gió, gọi cả những vị thần linh. Khi tiếng chiêng vang lên, cả bản làng như cùng hòa nhịp, vui tươi, hạnh phúc.
Rồi mế Năm chậm rãi kể cho tôi nghe về hành trình gắn bó với CLB hát giao duyên tiếng Mường thôn Đồng Trung: Sinh năm 1961, trong gia đình có 6 anh chị em, là con thứ 5 nên tôi được đặt tên là “Năm”. Từ nhỏ tôi đã được mẹ truyền dạy những làn điệu của dân tộc Mường như: sắc bùa, giao duyên, hát ru cùng những âm thanh rộn rã của cồng, chiêng. Mỗi khi nghe tiếng chiêng vang lên, tôi lại cảm thấy mình được trở về với cội nguồn, với những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ. Văn hóa Mường vì thế rất đỗi tự nhiên đã thấm sâu vào tâm hồn tôi, trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống và tôi luôn tự hào về cội nguồn của mình.
Cũng theo bà Năm, thôn Đồng Trung là một thôn vùng cao của xã Quảng Lạc, có 100% đồng bào là người dân tộc Mường sinh sống với nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán độc đáo, phong phú và đa dạng. Trước đây, do đời sống kinh tế của nhân dân còn khó khăn và ảnh hưởng của một số văn hóa ngoại lai nên nét văn hóa truyền thống người Mường dần dần bị mai một. Trang phục truyền thống gần như đã mất đi, công cụ, đạo cụ văn hóa không còn được lưu giữ, một số người có am hiểu về các hoạt động văn hóa dân tộc Mường ngày một ít…
Trước thực trạng đó, với trách nhiệm của một người đảng viên, nhưng trên hết là người Mường chính gốc, bà Năm đã không ngừng trăn trở, tìm kiếm giải pháp để bảo tồn những giá trị văn hóa đang dần phai nhạt.
Vốn là cô giáo mầm non, sau này bà Năm đảm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Mầm non của xã Quảng Lạc đến năm 2017 bà nghỉ hưu. Ngay sau khi nghỉ hưu, bà Năm cùng với những người có tâm huyết đã thành lập CLB Văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc Mường thôn Đồng Trung. Mục tiêu đầu tiên được CLB đặt ra, đó là phải giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc Mường, nêu cao ý thức và trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc phát huy, gắn kết văn hóa với phát triển kinh tế, góp phần hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Mường.
Bà Năm cho biết: Ban đầu thành lập CLB, mọi thứ còn rất khó khăn, từ việc tìm kiếm tài liệu, đạo cụ đến việc tập hợp những người có cùng đam mê. Toàn xã chỉ có 6 chiếc cồng chiêng và 6 bộ quần áo dùng để cho các thôn mượn biểu diễn khi có dịp lễ hội. Điều này cũng khiến không ít thành viên trong CLB cảm thấy hoài nghi về sức sống của CLB.
Thế nhưng, với lòng nhiệt huyết và niềm tin mãnh liệt về tình yêu văn hóa Mường vẫn đang âm ỉ trong mỗi người dân thôn Đồng Trung, bà Năm đã tích cực tìm hiểu khai thác học hỏi những người có hiểu biết về văn hóa dân tộc Mường và tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ có kiến thức về văn hóa dân tộc Mường, người có năng khiếu văn nghệ và yêu thích những điệu múa, điệu hát riêng của dân tộc mình, khuyến khích hội viên phụ nữ trẻ có tâm huyết để tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ.
Đặc biệt, để có đủ đạo cụ phục vụ cho CLB biểu diễn, bà đã tự dành một phần lương hưu ít ỏi của mình để mua thêm nhị, sáo… và huy động các nhà hảo tâm ủng hộ trang phục biểu diễn cho CLB. Ngoài khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lòng đam mê, nhiệt tình của những thành viên nòng cốt cho công tác bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Mường, bà Năm còn tích cực động viên các cháu học sinh, các thanh niên tham gia vào các hoạt động của Câu lạc bộ nhằm kế thừa và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững.
Sự say mê của bà Năm đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thành viên CLB. Từ những ngày đầu đầy khó khăn, câu lạc bộ đã dần lớn mạnh, trở thành một ngôi nhà chung ấm áp cho những tâm hồn yêu văn hóa dân tộc Mường. Hiện CLB có 50 thành viên đến từ nhiều thôn trong xã Quảng Lạc cùng tham gia (tăng 14 thành viên so với khi mới thành lập). Các thành viên trong CLB đã tích cực tham gia tập luyện và truyền dạy cho các thế hệ trẻ về các nét văn hóa bản sắc của dân tộc Mường. Nhiều học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 cũng đã tích cực tham gia tập luyện cùng với Câu lạc bộ.
Trong những năm qua, CLB đã được Ủy ban nhân dân xã chọn đi biểu diễn tại các lễ hội và các chương trình, sự kiện văn hóa, văn nghệ lớn của tỉnh, của huyện và của xã như: Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho quan, Lễ hội rước nước Tràng An, Lễ hội Phố Cổ Hoa Lư, Festival Ninh Bình, Lễ hội Sắc Vàng Tam Cốc – Tràng An… Bên cạnh đó, CLB thường xuyên biểu diễn cho khách du lịch tại khu du lịch động Thiên Hà.
Năm 2023, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngày một tốt hơn, trên cơ sở hoạt động của CLB Văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc Mường thôn Đồng Trung, xã Quảng Lạc đã quyết định thành lập thêm 7 CLB văn hóa Mường ở các thôn, xóm còn lại. CLB Văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc Mường thôn Đồng Trung cũng đổi thành Câu lạc bộ hát giao duyên tiếng Mường thôn Đồng Trung.
Câu lạc bộ hát giao duyên tiếng Mường thôn Đồng Trung không chỉ là nơi để bà con giao lưu, học hỏi, mà còn là “cầu nối” để quảng bá văn hóa Mường đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh. Những tiết mục văn nghệ đặc sắc của câu lạc bộ đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của địa phương, đồng thời quảng bá hình ảnh đẹp của người dân Mường đến với du khách.
Những điệu múa, những làn điệu hát Mường của câu lạc bộ đã không chỉ vang vọng trong thôn Đồng Trung mà còn được nhiều người biết đến. Họ đã biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn của tỉnh, huyện, góp phần mang những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường đến gần hơn với công chúng. Mà một trong những nhân tố tích cực góp phần giữ hồn cốt của văn hóa Mường ở Quảng Lạc đó là mế Năm” – đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc chia sẻ.
Ghi nhận những đóng góp của bà Bùi Thị Năm trong hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa Mường, bà đã được UBND tỉnh đã tặng Bằng khen.. Bà Năm cũng là một trong những đại biểu điển hình tiên tiến của Quảng Lạc được cử tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ IV, năm 2024.
Những đóng góp của bà Năm không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn văn hóa mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng. Nhờ có câu lạc bộ, người dân thôn Đồng Trung có thêm một sân chơi lành mạnh, gắn kết mọi người lại với nhau. Còn đối với mế Năm: “Nhìn thấy những điệu múa, những bài hát của dân tộc mình được nhiều người biết đến, cháu con mình say mê học hỏi, tôi thấy lòng mình thật thanh thản. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của cuộc đời”.
Đã xế trưa, trời vẫn mưa, nhưng mế Năm và các thành viên trong CLB vẫn hăng say tập luyện các làn điệu theo tiếng cồng chiêng. Có lẽ những buổi giao lưu, tập luyện văn hóa, văn nghệ cũng chính là lúc các thành viên trong CLB cảm nhận rõ nét nhất “hồn cốt Mường” trong con người họ, để rồi những khó khăn thường nhật tạm quên đi, chỉ có tình yêu với văn hóa Mường là ở lại. Được đắm mình trong không gian nhà sàn, tiếng hát đúm nghe dìu dặt của mế Năm hòa với tiếng cồng chiêng rộn rã giữa núi rừng, chúng tôi như đang được thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của người Mường mà lòng chẳng muốn rời xa…
Mai Lan – Trường Giang
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/nguoi-gop-phan-giu-gin-hon-cot-van-hoa-muong-o-quang-lac/d20240911073239136.htm