Với 4 cây cổ thụ vừa được công nhận là cây Di sản Việt Nam, một ngôi đình cổ ở huyện Nho Quan đang sở hữu số cây Di sản nhiều nhất Ninh Bình.
Đình làng Yên Chỉ, xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 4 cây Di sản, gồm 2 cây lộc vừng, 1 cây bàng, 1 cây bồ đề đều trên 200 năm tuổi.
Đối với cây bàng có chiều cao vút ngọn khoảng 18m, diện tích phủ tán khoảng 200m2 hình mâm xôi. Đối với cây bồ đề, có đường kính thân gần 2m, cây cao khoảng trên 20m. Đối với 2 cây lộc vừng có tán xòe rộng chiếm diện tích từ 52m-80m, tán hình tròn theo các hướng từ 7-9m. Hiện các cây cổ thụ trong khuôn viên đình làng Yên Chỉ vẫn đang phát triển xanh tốt.
Ông Vũ Văn Sinh, Trưởng thôn Yên Chỉ, xã Thượng Hòa cho biết: “Không ai nhớ rõ các cây này có từ khi nào, chỉ biết rằng khi còn nhỏ chúng tôi đã thấy cây sừng sững giữa đình. Các “cụ cây” có ý nghĩa đặc biệt, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của vùng quê. Bởi vậy, người dân bao đời truyền nhau, cùng chăm sóc, bảo vệ cây cổ thụ, giữ gìn cảnh quan cho đình làng”.
Việc công nhận 4 cây Di sản trong khuôn viên đình làng Yên Chỉ có ý nghĩa quan trọng về việc gìn giữ bảo vệ hệ sinh thái môi trường cũng như tôn vinh, phát huy với những giá trị về mặt văn hóa, tinh thần của người dân địa phương.
Theo ông Trịnh Văn Thụ, Ban Quản lý đình làng: Đình làng Yên Chỉ có lịch sử vài trăm năm. Đình được lập nên để thờ Tam vị Thánh Tản gồm: Quý Minh Đại Vương, Tản Viên Sơn Thánh và Cao Sơn Đại Vương là các vị Thượng đẳng thần, có vai trò quan trọng trong tín ngưỡng người Việt, phù trợ cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc, đất nước thái bình.
Trong kháng chiến nơi đây là căn cứ cách mạng quan trọng góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc. Tại đây đã thành lập đội tự vệ thôn, tổ chức rải truyền đơn cách mạng, tập luyện, họp bàn quân sự.
Hiện nay, đình trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân làng Yên Chỉ và trong khu vực. Với những giá trị quý giá, năm 2022, đình được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Trải qua hàng trăm năm trước những biến đổi thời gian và chiến tranh song đình vẫn còn lưu giữ được cảnh quan, kiến trúc độc đáo. Ngoài ra nhiều thần sắc của các vị vua, bát hương, bài vị, hòm sắc cổ,… còn được lưu giữ đến tận ngày nay.
Đại diện Ban Quản lý đình cho biết thêm: “Để bảo vệ và giữ gìn cây xanh trong khuôn viên đình nói chung và 4 cây Di sản nói riêng, Ban Quản lý đền đã giao nhiệm vụ cho các thành viên thường xuyên có trách nhiệm trông coi, tưới nước, chăm sóc cảnh quan môi trường. Ngoài ra chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con cùng chung tay bảo vệ để cây trường tồn với các thế hệ đời sau.”
Theo ông Quách Mai Hồng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh, cây Di sản không đơn thuần là những cây cổ thụ, mà còn là những nhân chứng lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc cần được tôn vinh và bảo vệ. Với 4 cây vừa được công nhận, đình Yên Chỉ hiện là ngôi đình sở hữu nhiều cây Di sản nhất trên địa bàn tỉnh.
Ninh Bình hiện có khoảng 20 cây cổ thụ đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Trong đó có nhiều cây có tuổi đời cao như cây thị trên 700 năm ở đình làng Phù Long, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, cây thị trên 500 năm tuổi, cây bàng gần 250 năm tuổi tại chùa Hưng Long (xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình);…
Để được công nhận là “Cây Di sản” phải đáp ứng được các tiêu chí như: Cây sống trên 100 năm, cao to hùng vĩ, có hình dáng đặc sắc, có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử…
Bài, ảnh: Minh Hải