Chiều 4/10, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe báo cáo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.
Cùng dự có các đồng chí: Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh.
Hội nghị đã nghe đơn vị tư vấn báo cáo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.
Theo đó, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 được thực hiện trên cơ sở kế thừa Quy hoạch chung năm 2014, cập nhật nghiên cứu của các quy hoạch phân khu, các quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng phương án quy hoạch tổng thể, trong đó đặc biệt tập trung giải quyết định hướng phát triển khu vực xung quanh di sản Tràng An, khu vực đô thị trung tâm.
Phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh Quy hoạch chung gồm phạm vi đồ án Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và bổ sung mở rộng khu vực lập quy hoạch về phía Tây đến khu vực sông Bến Đang và quốc lộ 12B bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh, xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Khánh Hòa, Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình, thuộc thành phố Tam Điệp; xã Sơn Lai, xã Sơn Hà, xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan. Quy mô lập quy hoạch khoảng 23.242 ha.
Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị để đáp ứng các yêu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế – xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai; tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.
Mục tiêu nhằm hướng tới Đô thị Di sản – trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng, có tầm quốc tế, có môi trường sống hấp dẫn và phát triển bền vững gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An.
Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận làm rõ một số nội dung như: quy hoạch hệ thống giao thông công cộng; tổ chức hợp lý không gian, phân vùng chức năng hướng tới tiêu chí Đô thị di sản; đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân sống trong vùng Di sản với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản; quy hoạch khu trung tâm văn hóa, khu đất cơ quan sau khi di chuyển; rà soát các quỹ đất dành cho giáo dục, quy mô các tuyến đường, phương án khai thác cảnh quan các tuyến sông, kênh nước…
Cho ý kiến để hoàn thiện quy hoạch, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao đổi làm rõ một số nội dung. Trong đó nhấn mạnh, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 đã cơ bản bám sát các nhiệm vụ theo đồ án cũ.
Tuy nhiên để đồ án hoàn chỉnh hơn, đơn vị tư vấn cần bám sát các tiêu chí đã đạt được theo Nghị quyết 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210/2016 ngày 25 tháng 5 năm 2016 về phân loại đô thị, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó làm căn cứ xác định nội dung điều chỉnh trong đồ án Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.
Ngoài ra các đồng chí Phó Chủ tịch cũng yêu cầu đơn vị lập quy hoạch cần tập trung làm rõ mối tương quan, liên kết giữa các tuyến đường, sông hồ theo điều chỉnh quy hoạch mới. Việc xác định ranh giới đô thị ở một số khu vực của thành phố Tam Điệp, huyện Yên Mô cần được làm rõ. Công tác quy hoạch cần nghiên cứu đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với môi trường sinh thái của khu dân cư sinh sống trong vùng Di sản. Chú trọng công tác bảo tồn, phục dựng, bảo vệ giá trị Di sản.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Công tác quy hoạch có vai trò quan trọng, quy hoạch đi trước một bước sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.
Trước đây, Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình năm 2030 tầm nhìn 2050 được phê duyệt năm 2014 đã được đầu tư nghiên cứu, tổ chức rất bài bản, hiệu quả. Song trải qua 10 năm phát triển, dựa trên tình hình thực tế và tư duy phát triển mới, tiến tới xây dựng Ninh Bình trở thành Cố đô Di sản vì vậy việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết. Đây là việc quan trọng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế.
Để đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 hiệu quả, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị lập quy hoạch cần đánh giá thêm hiện trạng, thuận lợi, khó khăn của Quy hoạch chung 2014. Trong quá trình lập quy hoạch phải tính toán đến việc ổn định đời sống nhân dân, các phương án tiêu, thoát lũ, bố trí các công trình phụ trợ, hệ thống gia thông công cộng, hiện đại trên cả đường thủy – đường bộ – đường bay…
Đồng chí cũng đề nghị Sở Xây dựng trong quá trình thực hiện thường xuyên báo cáo với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, mục tiêu nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tế, phù hợp với xu thế phát triển KT-XH và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị.
Các sở, ngành, đơn vị trên tinh thần nhiệm vụ được giao, tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến hiệu quả, đồng thời mạnh dạn đề xuất các phương án để cải tạo khu đô thị cũ đảm bảo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 mang tư duy chiến lược phát triển bền vững, hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển lâu dài của tỉnh.
Minh Hải – Anh Tuấn