Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết; tiềm năng, thế mạnh theo từng tiểu vùng sinh thái từng bước được khai thác, hình thành các sản phẩm chủ lực, đặc sản, theo hướng hữu cơ, tích hợp đa giá trị gắn với phát triển du lịch; tỷ lệ cơ giới hóa tăng nhanh; hạ tầng tiếp tục được đầu tư đáp ứng đa mục tiêu; xây dựng nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu; đời sống, thu nhập của nông dân ngày càng nâng lên… Đó là những khởi sắc của ngành Nông nghiệp và PTNT sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Vượt khó tăng trưởng ấn tượng
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi (dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò…) hoành hành; thời tiết diễn biến bất thường; giá các loại vật tư, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao… Đây là những khó khăn ngành Nông nghiệp phải đối mặt trong thực hiện nhiệm vụ nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành, cấp ủy chính quyền các địa phương cùng sự nỗ lực của bà con nông dân, nhiều chỉ tiêu của Ngành vẫn được thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, vừa đảm bảo an ninh lương thực và các vấn đề xã hội, vừa đóng góp vào mức tăng trưởng chung của tỉnh.
Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Nửa đầu nhiệm kỳ, ngành Nông nghiệp đã thực hiện tốt công tác tham mưu trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về nông nghiệp và PTNT; tham mưu ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, kịp thời tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng ngành. Nếu như trước đây, mức độ tăng trưởng của ngành chỉ đạt xung quanh con số 2% thì những năm đầu nhiệm kỳ, ngành liên tiếp duy trì được mức tăng trưởng 3%. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 153 triệu đồng (năm 2020 là 135 triệu đồng/ha).
Điều quan trọng hơn cả là tư duy sản xuất của người nông dân đã có sự thay đổi, từ chỗ tập trung vào sản lượng chuyển sang quan tâm tới chất lượng, tăng giá trị sản phẩm; chú trọng phát triển sản xuất theo các quy trình tiêu chuẩn, gắn kết với thị trường tiêu thụ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao hiện nay chiếm 75% tổng diện tích gieo cấy. Toàn tỉnh đã có 1.700 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ. Diện tích tập trung sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao tăng. Ba năm vừa qua, các địa phương đã chuyển đổi gần 1.250 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Với sự hỗ trợ của tỉnh, các HTX, nông dân đã mạnh dạn đầu tư nhiều loại máy móc vào phục vụ sản xuất như: máy gieo mạ, máy cấy, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật, máy sấy, máy cuộn rơm…, qua đó giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Xu hướng thành lập các trang trại, gia trại chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp chuyên môn hóa dần chiếm ưu thế.
Nông thôn mới đi vào chiều sâu
Nếu như chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 đã làm đổi thay diện mạo vùng nông thôn trong toàn tỉnh khi kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp thì những năm gần đây lại tập trung vào việc nâng cao đời sống, thu nhập của người dân vùng nông thôn một cách bền vững. Trong đó, có việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, chuyển đổi số; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các tiêu chí an ninh trật tự.
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các địa phương đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các HTX đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy ngành nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 101 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (trong đó 33 sản phẩm đạt 3 sao; 68 sản phẩm đạt 4 sao). Đây đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và đại diện cho thế mạnh của mỗi địa phương trong tỉnh; được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đến nay, 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh đã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 119/119 xã đạt chuẩn NTM; 33/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt kế hoạch hàng năm); 15/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 396 thôn, xóm, bản được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu; huyện Hoa Lư, Yên Khánh đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Với kết quả và tốc độ triển khai xây dựng NTM như hiện nay, cuối năm 2023 tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đảm bảo đúng theo kế hoạch.
Tiếp tục gỡ các nút thắt
Trong bối cảnh biến động tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu, tạo ra sự leo thang trong chi phí sản xuất, thương mại đình trệ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai… Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong nửa nhiệm kỳ còn lại đòi hỏi tỉnh cũng như ngành Nông nghiệp phải có những giải pháp phù hợp.
Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chia sẻ: Việc thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, liên quan đến thủ tục pháp lý về đất đai; lao động nông nghiệp già hóa và chuyển dịch mạnh sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Đây là hai nút thắt lớn cản trở sự phát triển, do vậy cần phải sớm tháo gỡ. Tới đây, Sở sẽ nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, đặc biệt là nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để đầu tư sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, tập trung vào cơ giới hóa đồng bộ, tự động hóa mà trước hết là nâng cao năng suất lao động.
Ngoài ra, thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mỗi địa phương dựa vào tiểu khí hậu của mình tạo ra một sản phẩm đặc trưng riêng, gắn với phát triển du lịch. Một vấn đề nữa là nâng cao tính chuyên nghiệp để tổ chức sản xuất, phải có giải pháp, đổi mới tư duy để tăng sức mạnh cho các HTX, tổ hợp tác, giải quyết được vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, xây dựng chuỗi giá trị, thúc đẩy chế biến. Tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng nông sản. Nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo cung cầu nông sản; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối.
Về xây dựng NTM, tập trung nâng cao đời sống cho người dân, trước hết là thu nhập của người dân ở vùng nông thôn; bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm NTM phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc.
Nguyễn Lựu