Nhận thấy trong điều kiện lao động nông nghiệp ngày càng khan hiếm, không đưa cơ giới hóa vào thì rất khó thành công, anh Phạm Văn Hướng (xóm Đông, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh) đã bỏ tiền tỷ mua sắm hàng loạt máy móc hiện đại, từ máy cày dưới ruộng đến máy bay không người lái, từ đó giúp gia đình anh và các hộ dân trong vùng giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản suất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Có mặt tại nhà anh Phạm Văn Hướng vào một ngày cuối tháng 4, đúng lúc anh đang cùng các thợ máy sửa sang, bảo dưỡng lại 5 chiếc máy gặt để chuẩn bị đưa vào Quảng Trị gặt thuê, chúng tôi chưa hết ngạc nhiên thì tiến sâu vào bên trong kho còn có hàng loạt máy làm đất, máy cuộn rơm, máy cấy, máy bay phun thuốc công suất lớn thế hệ mới nhất.
Nhìn chúng tôi “mắt tròn, mắt dẹt”, anh Hướng bắt đầu kể về câu chuyện lập nghiệp và hành trình hướng tới “cánh đồng không dấu chân của mình”. Theo đó, khoảng chục năm trước, khi các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh mọc lên thì lực lượng lao động trẻ khỏe hầu như đi làm công nhân, ở lại với đồng ruộng chỉ toàn người già và phụ nữ, trong khi công việc khó nhọc mà thu nhập thì chẳng đáng là bao. Chính bởi vậy, tình trạng bỏ ruộng, bỏ vụ diễn ra phổ biến ở nhiều làng quê.
Xót xa khi thấy đất đai mầu mỡ mà để cỏ dại mọc, năm 2013, anh Hướng đã gác lại công việc kỹ thuật ở công trường để trở về quê khởi nghiệp với nghề nông. Ngoài phần ruộng của gia đình, anh đi khắp làng trên, xóm dưới, thấy hộ nào không có nhu cầu canh tác là thuê mướn lại để làm, không kể ruộng lớn, nhỏ, vài ba thước cũng nhận. Cứ thế gom góp dần, đến khi diện tích lên tới cả chục héc ta thì anh Hướng mới nhận ra sức người lúc này không kham nổi nữa, không còn cách nào khác là phải đưa máy móc vào thay thế. Vậy là ngoài máy cày, máy gặt, anh mua thêm xe tải, máy cuộn rơm, máy cấy và mới đây nhất là máy bay nông nghiệp G500A tích hợp nhiều chức năng như: Phun thuốc, bón phân, gieo hạt,… Giờ đây tất cả các quy trình canh tác lúa đều được anh thực hiện bằng máy.
“Ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa, khung thời vụ được đảm bảo, tạo sự đồng đều trong quá trình chăm sóc nên lúa sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, tránh được rủi ro do thời tiết, dịch bệnh, giảm chi phí nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát sau thu hoạch… Gia đình tôi hiện canh tác 107 mẫu ruộng nhưng trung bình mỗi công đoạn (làm đất, cấy, gặt) chỉ mất khoảng 10-15 ngày là hoàn tất. Thời gian còn lại tôi tranh thủ đưa máy đi làm dịch vụ cho bà con ở trong và ngoài tỉnh” – anh Hướng cho biết.
Nhờ sản xuất tập trung trên cánh đồng lớn và ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa ở tất cả các khâu nên qua tính toán chi phí sản xuất cho 1 ha lúa của gia đình anh Hướng chỉ bằng một nửa so với sản xuất thông thường. Từ hơn 100 mẫu ruộng, mỗi năm anh thu về từ 270-300 tấn lúa, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra còn nguồn thu từ dịch vụ cấy, cày, phun thuốc và cung ứng vật tư cho bà con. Tổng thu nhập một năm của gia đình đạt ngót nghét 1 tỷ đồng. Đây quả thực là con số đáng mơ ước của nhiều người, tuy nhiên để đạt được thành công này anh Hướng đã phải trải qua không ít gian nan, thử thách.
“Làm việc gì cũng có khó khăn, cản trở nhất định. Mặc dù trước đây, tôi có học qua về cơ khí chế tạo nhưng không phải máy nào mua về cũng vận hành luôn được, hơn nữa đồng ruộng mỗi nơi một khác, bằng phẳng không sao, nhiều khi gặp địa hình lầy thụt không cẩn thận là máy mắc kẹt ngay. Rồi việc đưa máy lên xuống, di chuyển giữa các thửa ruộng cũng là cả một vấn đề lớn. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, có những năm mất mùa, nhà không thu được thóc, đi cấy cầy thuê cũng không lấy được tiền, tài chính khó khăn… Nhưng rồi sau tất cả, đến nay mọi công việc đã được vận hành thuận lợi, ổn định” – anh Hướng nói.
Cũng theo anh Hướng, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân và gia đình thì các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, đặc biệt là nhóm chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp trong Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh chính là động lực giúp anh có được kết quả như ngày hôm nay.
Ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc HTX Khánh Hòa đánh giá: Làm giàu từ nông nghiệp không phải chuyện đơn giản nhưng anh Hướng đã làm được điều đó. Đặc biệt, việc anh Hướng phát triển, cung ứng đa dạng các dịch vụ nông nghiệp cho bà con trong vùng còn giúp giải quyết tình trạng bỏ ruộng, bỏ vụ, đưa sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ví như vụ Đông xuân hiện nay, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp nhưng nhờ có dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái của gia đình anh Hướng hơn 400 ha lúa của HTX được phun trừ đồng loạt, đúng thời điểm nên hiệu quả phòng trừ rất cao, trong khi chi phí chỉ bằng ½ so với phun thủ công, bà con xã viên ai cũng phấn khởi.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu