Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo
Ở thời điểm sau khi tái lập tỉnh (năm 1992), lực lượng lao động của tỉnh ta chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 14,5%, đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 65% và năm 2023, tăng lên 69,5%. Tuy vậy, những con số này vẫn chưa theo kịp nhu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.
Quan sát các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức những năm gần đây cho thấy, thị trường lao động hiện nay vẫn thiếu các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề, có tay nghề cao; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đang làm việc tại các doanh nghiệp chưa xứng với tiềm năng thực tế. Điều này dẫn đến thực trạng, nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động nhưng không tuyển được đủ.
Từ một đơn vị gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, có nhiều lao động thuộc diện bị cắt giảm trong năm 2022, nhưng từ giữa năm 2023, Công ty TNHH MCNEX VINA (KCN Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình) đã phục hồi mạnh mẽ. Công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng khá lớn để bù đắp lượng lao động thiếu hụt, đồng thời đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức vào cuối năm 2023, bên cạnh hàng trăm chỉ tiêu tuyển dụng lao động phổ thông, Công ty TNHH MCNEX VINA có nhu cầu hàng chục chỉ tiêu tuyển dụng lao động chất lượng cao như: Phiên dịch tiếng Hàn, Lập trình viên, Thiết kế công cụ về máy, Thiết kế mạch… Tuy nhiên, theo đại diện Công ty, việc tuyển dụng lao động chất lượng cao chưa khi nào dễ dàng.
Là địa phương có ngành công nghiệp phát triển mạnh trong giai đoạn vừa qua, hiện nay, huyện Gia Viễn có khoảng 16 nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, số lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 30-38%. Vài năm trở lại đây, trong mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động được xây dựng hàng năm, huyện đặt thêm mục tiêu nâng cao số lao động đã qua đào tạo, đảm nhận được những vị trí việc làm quan trọng trong doanh nghiệp.
Bà Đinh Thúy Hằng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện khẳng định: Khi công nghệ phát triển vượt bậc đã tạo nên áp lực với người lao động về nhiều mặt, nhất là khi máy móc dần thay thế sức lao động của con người. Điều này đặt ra bài toán đối với các ngành chức năng, các trường nghề trong việc thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo để người lao động không bị đặt qua một bên trong “cuộc chơi” mang tính cạnh tranh gay gắt này.
Riêng đối với huyện Gia Viễn, trong giai đoạn 2021-2025, huyện giao nhiệm vụ cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị, các phòng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước tạo ra nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao tỷ lệ lao động có thể đảm nhận được các vị trí, việc làm chủ chốt trong doanh nghiệp thay vì chỉ là lao động phổ thông như hiện nay.
Tính riêng “kênh” của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, mỗi năm, các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm hàng chục nghìn lao động; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, chiếm từ 35-40%. Trên thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp còn cao hơn nhiều. Để đào tạo nguồn lao động có chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, bước vào giai đoạn 2021-2025, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70%-72% vào năm 2025, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững.
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng
Không chỉ trông chờ vào các cơ sở đào tạo nghề, những năm qua, các doanh nghiệp cũng đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp để nâng chất lực lượng lao động. Thực tế cho thấy, với sự tích cực vào cuộc của doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, người lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững luôn được các doanh nghiệp thu hút bằng những chế độ ưu đãi hấp dẫn như: chế độ lương bổng, hỗ trợ chỗ ăn, ở, phương tiện đi lại…
Đặc biệt, để sở hữu nguồn lao động phù hợp với nhu cầu, các doanh nghiệp cũng đã chủ động phối hợp, bắt tay với các cơ sở đào tạo nghề cùng hợp tác đào tạo, đào tạo lại để người lao động có điều kiện hoàn thiện tay nghề và đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc. Thông qua việc liên kết đào tạo này, doanh nghiệp cũng sẽ đóng góp vào việc hoàn chỉnh giáo trình dạy học của nhà trường. Như vậy, sau khi ra trường và được tiếp nhận về doanh nghiệp, các học sinh, sinh viên có thể bắt tay ngay vào công việc mà không cần doanh nghiệp phải đào tạo thêm hay đào tạo lại…
Cùng với đó, việc khơi dậy và phát huy sự sáng tạo của mỗi người lao động được các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng trong thời gian qua thông qua việc phát động các phong trào thi đua. Từ các phong trào thi đua sôi nổi ấy, đã tạo động lực cho người lao động nghiên cứu, sáng tạo ra những sáng kiến làm lợi nhiều tỷ đồng cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp bứt phá vươn lên.
Theo đại diện Công ty TNHH may mặc Nam&Co London (CCN Đồng Hướng, huyện Kim Sơn): Trong điều kiện hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp phải áp dụng nhiều công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu. Việc tuyển dụng được đối tượng lao động phù hợp với vị trí việc làm là không dễ, bởi kể cả người lao động khi đã qua đào tạo vẫn còn có khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.
Để chủ động được nguồn lao động phù hợp với nhu cầu, thời gian qua, Công ty đã tích cực tổ chức cho người lao động học tập nâng cao trình độ, học nghề, đào tạo lại nghề, thường xuyên tổ chức các hội thi “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo với năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả”; thi đua áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất… thu hút đông đảo người lao động tham gia. Từ các phong trào thi đua đã tạo động lực để người lao động phát huy năng lực, sở trường, góp phần đạt hiệu quả tối đa trong lao động. Nếu như trước đây, để hoàn thành 1.000 sản phẩm, Công ty cần có quỹ thời gian là 10 ngày sản xuất, nhưng nay, thời gian rút ngắn lại còn 7-8 ngày.
Ông Đinh Thế Hùng, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh khẳng định: Thực tế cho thấy, thực hiện tốt các phong trào thi đua chính là động lực, là cơ hội để mỗi đơn vị, doanh nghiệp tạo bứt phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những năm qua, các Công đoàn cơ sở đã tích cực phối hợp với chủ doanh nghiệp phát động các phong trào thi đua như: “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất”; “thực hành tiết kiệm, giảm chi phí quản lý, định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng để nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh khi tham gia hội nhập khu vực và quốc tế”; “Lao động sáng tạo, năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, thu nhập cao hơn”… đã khơi dậy sự sáng tạo, tinh thần cống hiến của người lao động. Những sáng kiến đó đã góp phần giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, thực hiện tốt các nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước; thu nhập và đời sống của người lao động ngày một nâng cao.
Bài, ảnh: Đào Hằng