Nghị quyết số 140/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 4 vụ/năm ở các xã Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Thái (huyện Yên Mô) đang được các cấp, các ngành liên quan triển khai để sớm đưa công trình vào phục vụ.
Khi vùng liên kết sản xuất gặp khó
Dẫn chúng tôi đi thăm vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 4 vụ/năm tại địa bàn xã Yên Mạc, ông Mai Văn Phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hồng Hà (xã Yên Mạc) chia sẻ: Đã có nhiều năm HTX Hồng Hà thực hiện sản xuất 4 vụ/năm với các cây trồng chủ lực như: đậu tương, lạc, khoai tây, rau màu các loại với diện tích cần tưới tiêu khoảng 30 ha. Tuy nhiên, do là vùng trũng, nên việc tiêu thoát nước qua Trạm bơm kênh Đào rất hạn chế, chỉ với lượng mưa khoảng 100mm là nước dồn về nhanh, gây ngập úng cho toàn bộ diện tích canh tác. Mỗi khi vào mùa mưa bão, do kênh tiêu thoát nước xuống cấp nên công tác phòng, chống lụt bão của địa phương gặp không ít khó khăn.
Tuyến kênh Đào đoạn qua xã Yên Mạc với chiều dài khoảng 2,1 km, có nhiệm vụ dẫn nước về Trạm bơm kênh Đào với công suất 7.200m3/giờ, đảm bảo tiêu thoát nước cho diện tích 150 ha đất tự nhiên thuộc 3 xã Yên Mạc, Yên Lâm, Yên Thái. Trong đó, điểm đầu và điểm cuối của kênh thuộc địa bàn xã Yên Mạc. Hiện trên toàn tuyến đáy kênh bị bồi lắng dày từ 0,5m-0,8m, bờ kênh bằng đất bị sạt lở, hiện trạng tuyến kênh không đủ năng lực tiêu thoát nước, gây nên hiện tượng ngập úng cục bộ ở những vùng thấp trũng và kéo dài khi có mưa lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Tại xã Yên Thái, hơn 10 năm nay tuyến kênh Đào đoạn đi qua địa bàn xã phục vụ tưới tiêu cho 100% diện tích đất màu. Ông Vũ Xuân Chiều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Thôn (xã Yên Thái) cho biết: Với 20,7 ha đất màu, 4 vụ sản xuất trong năm được HTX canh tác các cây trồng: khoai tây, đậu tương, đậu xanh, lạc, rau màu các loại, thu nhập trung bình 4 vụ sản xuất đạt từ 300-400 triệu đồng/ha.
Không chỉ làm tốt các khâu dịch vụ, HTX còn thực hiện hiệu quả việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, ký kết hợp đồng với 4 công ty chuyên kinh doanh thực phẩm. Với kinh nghiệm sản xuất 4 vụ trong năm cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa, HTX đã thể hiện tốt vai trò trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân.
Tuy nhiên, bất cập tại đây cũng chính là việc tưới tiêu không thuận lợi, vùng trũng, việc tưới tiêu nhiều khi không đáp ứng kịp thời. Vì là các vụ gối nhau trong năm nên rất ảnh hưởng đến việc điều chỉnh thời gian để không bị lỡ vụ cũng như đảm bảo năng suất, chất lượng các vụ sản xuất.
Những năm gần đây, các HTX: Bắc Yên (xã Yên Lâm), Đông Thôn (xã Yên Thái) và Hồng Hà (xã Yên Mạc) đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp để liên kết sản xuất lạc đông, ngô ngọt, đậu tương… xuất khẩu, cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô 4 vụ sản xuất/năm. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cũng như mở rộng sản xuất.
Khó khăn trong tưới tiêu ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 3 xã của huyện Yên Mô cũng là nội dung được nhiều cử tri các xã phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các xã, huyện Yên Mô và của tỉnh.
Gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp cụm 3 xã
Theo khảo sát của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Mô, tuyến kênh phục vụ vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 4vụ/năm trên địa bàn các xã Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Thái có điểm đầu là kênh Đào (xã Yên Mạc), điểm cuối là cống Lò Gạch (xã Yên Lâm) có chiều dài khoảng 2,1 km. Kênh Đào có nhiệm vụ cấp thoát nước cho khoảng 150 ha đất canh tác của 3 xã trên.
Tuyến kênh được đào, đắp từ lâu nên hiện nay đã bị bồi lắng, xói lở, không đảm bảo cấp thoát nước cho khu vực. Hàng năm, các HTX nông nghiệp trong vùng đã sửa chữa tạm thời để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của địa phương hạn chế nên không thể nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Ông Dương Quang Thành Hưng, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Mô cho biết: Huyện Yên Mô đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển đô thị. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tập trung cho các tiêu chí về kinh tế, phát triển sản xuất, thu nhập, môi trường, hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Do đó, để chủ động phòng chống thiên tai, tưới tiêu phục vụ sản xuất, phát huy hiệu quả và mở rộng diện tích canh tác 4 vụ/năm trên địa bàn các xã Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Thái thì việc đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 4 vụ/năm ở các xã nói trên là rất cần thiết.
Tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XV (tháng 12/2023) đã thông qua Nghị quyết số 140/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 4 vụ/năm ở các xã Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Thái và sớm được các ngành chức năng, huyện Yên Mô tập trung triển khai thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục.
Nghị quyết được ban hành đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ nhân dân địa phương bởi tính hiệu quả, thiết thực của dự án khi được triển khai sẽ giúp các địa phương chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, tưới tiêu phục vụ sản xuất, phát huy hiệu quả và mở rộng diện tích canh tác 4 vụ/năm.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mạc cho biết: Ngay khi chủ trương được ban hành, cử tri và người dân địa phương rất phấn khởi vì những ý kiến, kiến nghị của mình đã được các cấp có thẩm quyền vào cuộc giải quyết.
Để công trình sớm đi vào hoạt động, xã đã tổ chức họp lấy ý kiến của người dân, thống nhất cách làm, phối hợp với Ban quản lý dự án của huyện tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ việc bàn giao mặt bằng nếu có ảnh hưởng bởi dự án.
Dự án “Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 4 vụ/năm ở các xã Yên Lâm – Yên Mạc – Yên Thái” có tổng mức đầu tư dự kiến 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện. Tiến độ triển khai dự án từ năm 2023-2026.
Dự án phù hợp với các quy hoạch ngành và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Yên Mô đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Ninh Bình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020; Quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 904/QĐ-UBND ngày 11/7/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình.
Ông Dương Quang Thành Hưng, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Mô cho biết thêm: Triển khai Nghị quyết 140 của HĐND tỉnh, Ban quản lý dự án đã phối hợp với chính quyền, MTTQ 3 xã tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Khi được biết chủ trương của HĐND tỉnh, người dân rất phấn khởi và đồng tình cao. Do đó, từ khi triển khai Dự án đến nay chưa có vướng mắc gì, các hoạt động được triển khai đúng tiến độ. Hiện nay, Dự án đầu tư Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 4 vụ/năm ở các xã Yên Lâm – Yên Mạc – Yên Thái đang đến bước lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế.
Ông Vũ Văn Nhuận, người dân xóm 4 Hồng Thắng (xã Yên Mạc) vui mừng cho biết: Nghị quyết của HĐND tỉnh đã quan tâm sát thực đến đời sống của người dân, giải quyết kịp thời những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nên chúng tôi rất phấn khởi khi biết dự án đang được triển khai.
Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo yêu cầu phục vụ tưới tiêu, phục vụ sản xuất, phát huy hiệu quả và mở rộng diện tích canh tác 4 vụ/năm trên địa bàn các xã Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Thái, tăng cường kết cấu hạ tầng về giao thông thủy lợi, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và góp phần từng bước cải thiện đời sống nhân dân vùng dự án.
Bài, ảnh: Bùi Diệu
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/nang-cap-ha-tang-ky-thuat-de-thuc-day-san-xuat-nong-nghiep/d20240702204259638.htm