Để du lịch Ninh Bình đạt nhiều thành tựu hơn nữa, trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tăng cường xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản.
Ninh Bình luôn nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước và được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế có uy tín đánh giá cao. Năm 2023, Ninh Bình được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất Thế giới, Giải thưởng thường niên lần thứ 11 của tạp chí Traveller Review Awards bình chọn Ninh Bình đứng thứ 7 trong tốp 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; năm 2024, Ninh Bình đứng vị trí thứ 4 trong “Top 10 kỳ quan thế giới mới dành cho những người không thích đám đông”.
Lượng khách đến Ninh Bình tăng trưởng qua từng năm, nhiều sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác, thương hiệu du lịch Ninh Bình được khẳng định trên bản đồ du lịch thế giới. Trong 9 tháng của năm 2024, số lượt khách đến thăm quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 7,3 triệu lượt khách, tăng 32,03% so với cùng kỳ năm trước, đạt 97,28% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó khách trong nước đạt gần 6,4 triệu lượt, khách quốc tế đạt trên 900.000 lượt, số lượt khách đến cơ sở lưu trú ước đạt trên 1.506,2 nghìn lượt, gấp trên 1,5 lần; số ngày khách lưu trú ước đạt trên 1.701,5 nghìn ngày khách, tăng 33,83%.
Doanh thu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh 9 tháng ước đạt trên 7.251 tỷ đồng, tăng 42,96% so với cùng kỳ năm trước, đạt 87,89% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó, hoạt động lưu trú tăng 27,57%; hoạt động nhà hàng tăng 40,04%…
Để du lịch Ninh Bình có sự phát triển hiệu quả, bền vững gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đặc thù, đột phá về phát phát triển văn hóa và con người Ninh Bình, nghị quyết về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản (Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập phát triển bền vững; Nghị quyết số 02-NQ/TU về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045…). Đây chính là những chủ trương định hướng quan trọng huy động các nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng địa phương tham gia phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản.
Bên cạnh đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải gắn với phát triển du lịch, bảo tồn môi trường và không gian di sản, không gian sinh tồn và đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Việc phát triển du lịch phải được cân nhắc kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm, không làm tổn hại tới di sản văn hóa mà ngược lại làm giàu các giá trị văn hoá, thông qua các hình thức thực hành, biểu diễn… Điều này đòi hỏi phải có kế hoạch quản lý bền vững, bao gồm đánh giá tác động môi trường và xã hội.
Phát huy truyền thống văn hóa, những giá trị văn hóa tốt đẹp, tập quán canh tác sinh hoạt, sản xuất gắn với ý thức bảo vệ, gìn giữ cảnh quan, thường xuyên bồi đắp, làm giàu thêm vào kho tàng văn hóa di sản của cộng đồng. Có thể nói truyền thống bảo vệ cảnh quan, gìn giữ di sản của cha ông đã đi vào tiềm thức của mỗi cộng đồng, người dân địa phương. Chẳng hạn như bia khắc trên núi đá khu vực thôn Chi Phong, xã Trường Yên, dăn kẻ phá đá, khuyến khích bảo vệ môi trường là minh chứng rõ nét về truyền thống bảo vệ di sản của người dân Cố đô.
Ngoài ra, tỉnh đã nâng cao vai trò và vị trí của cộng đồng trong quản lý, khai thác và phát huy giá trị du lịch di sản, qua đó nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Cộng đồng địa phương luôn được coi là trung tâm, yếu tố then chốt trong việc bảo tồn và phát triển bền vững. Người dân cần được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động du lịch và có vai trò trong việc quản lý, bảo vệ di sản. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 105 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó có nội dung hỗ trợ người dân trong vùng di sản bảo tồn các nếp nhà truyền thống, xây dựng nhà theo kiểu dáng kiến trúc truyền thống, xây dựng homestay. Qua đó thúc đẩy chính sách “sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản”.
Phát triển các sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa cao, mang đặc trưng riêng có của vùng đất cố đô và di sản thế giới Tràng An, như: Trải nghiệm không gian văn hóa tiền sử tại đảo Khê Cốc, Tràng An; các tour du lịch về nguồn tại Gia Viễn…, các chương trình trải nghiệm nông nghiệp tại Tam Cốc, các loại hình du lịch homestay gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trải nghiệm không gian văn hóa Mường, các hình thức thực hành: chèo, xẩm….
Đồng thời, tỉnh đã đẩy mạnh hợp tác công tư và hợp tác quốc tế, trong đó có 4 đối tác quan trọng nhất trong mô hình “Hợp tác công – tư” về phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa: (Nhà nước, Doanh nghiệp, Người dân và Nhà khoa học giữ vai trò tư vấn, kết nối hai đối tác công và tư. Câu chuyện thành công đang áp dụng ở Quần thể danh thắng Tràng An là 1 minh chứng sống động đã được bà Tổng giám đốc UNESCO, bà chủ tịch Đại hội đồng UNESO, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
“Để du lịch Ninh Bình đạt nhiều thành tựu hơn nữa, trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tăng cường xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản. Xây dựng và thực hiện chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp và hiệu quả; đảm bảo đồng bộ từ khâu nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm đến xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu điểm đến du lịch” – ông Bùi Văn Minh nói./.