Thời gian qua, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh nhằm kéo dài thời gian sử dụng công trình, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Thực hiện phân cấp quản lý đường bộ, ngành GTVT tỉnh được ủy thác quản lý 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 162,23 km, 19 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 259,45 km.
Để công tác bảo trì đường bộ đạt hiệu quả, ngành GTVT đã triển khai nhiều giải pháp như: thường xuyên cập nhật, thống kê hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý và xây dựng, bảo trì. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang giao thông. Chú trọng công tác sửa chữa định kỳ, chỉ đạo các phòng, ban chức năng kiểm tra tiến độ, chất lượng thực hiện các dự án.
Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Hạt trưởng Hạt giao thông số 2 huyện Yên Mô cho biết: Hạt giao thông số 2 huyện Yên Mô đang quản lý 20,5 km đường Quốc lộ 12B (từ Km 20 đến Km40+500), hàng ngày có nhiều phương tiện qua lại. Với nhiệm vụ được giao, công nhân thường xuyên duy tu, quét dọn, cắt cỏ trên các tuyến nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Tăng cường đưa các công nghệ mới, vật liệu mới trong quá trình bảo trì đường bộ. Theo đó, nhiều tuyến đường đã xóa bỏ được những ổ gà, điểm mất an toàn giao thông, lún, võng, sơn kẻ mặt đường, xử lý kịp thời các hư hỏng, xuống cấp…
Đồng chí Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án vốn sự nghiệp kinh tế, Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Thời gian qua, trong bối cảnh nguồn vốn bố trí cho công tác quản lý, bảo trì rất hạn hẹp, Ban Quản lý dự án vốn sự nghiệp kinh tế đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao nhằm duy trì hoạt động bình thường của các tuyến đường được giao quản lý. Đến thời điểm hiện tại, các tuyến đường cơ bản được quản lý, bảo trì, góp phần vào việc duy trì trạng thái kỹ thuật, không gian kiến trúc và tuổi thọ của các công trình, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Trong năm 2022, có 30 dự án dành cho công tác bảo trì trên Quốc lộ, trên đường tỉnh, sửa chữa trên các tuyến, với tổng mức đầu tư là 116.710 triệu đồng. Năm 2023 có 31 dự án, với tổng mức đầu tư 192.584,8 triệu đồng.
Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải đã áp dụng kỹ thuật công nghệ trong quản lý bảo trì đường bộ như: Phần mềm quản lý kiểm tra và giám sát bảo trì đường bộ Govone; phần mềm quản lý tài sản đường bộ (RAMS); phần mềm quản lý cầu trên Quốc lộ (VBMS); phần mềm quản lý, sử dụng và khai thác hệ thống quản lý tình trạng mặt đường (PMS)… Từ đó đã chủ động quản lý, sát sao theo dõi công tác bảo trì đường bộ nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
Đồng chí Nguyễn Duy Phong, Trưởng Phòng Kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông Vận tải cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ đảm bảo duy trì các cấp đường khai thác được thông suốt, an toàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng công nghệ số trong việc quản lý đường bộ cũng như áp dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong công tác bảo trì nhằm duy trì các tuyến đường khai thác theo đúng công suất, đảm bảo an toàn giao thông và hành lang an toàn giao thông đường bộ; khai thác, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ hành lang đường, phát hiện những bất cập trong quá trình tổ chức giao thông để đề ra các giải pháp khắc phục ngay, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Với sự chỉ đạo sát sao của Sở Giao thông Vận tải cũng như sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị quản lý đường, chất lượng quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Tiến Minh