Ninh Bình có hai tổ chức tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo. Trong đó,
Phật giáo có trên 72.000 tín đồ, chiếm 7,65% dân số toàn tỉnh, Công giáo có trên 162.000 tín đồ, chiếm 16% dân số toàn tỉnh.
Những năm qua, tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh ổn định, không có điểm nóng phức tạp liên quan đến tôn giáo. Đồng bào hai tôn giáo đoàn kết, có mối quan hệ tốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Tuy nhiên, lợi dụng sự quan tâm, cũng như chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề tôn giáo, vừa qua một số hiện tượng tôn giáo mới hoạt động trái pháp luật (hay còn gọi là “tà đạo”) đã tìm cách hình thành, phát triển, thu hút hội viên, tín đồ.
Đồng chí Mai Xuân Thủy, Phó trưởng Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, Dân tộc và Tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Tại tỉnh Ninh Bình, theo thống kê hiện nay có khoảng 8 loại hình hiện tượng tôn giáo mới thu hút khoảng 219 người tham gia, xuất hiện ở cả 8 huyện, thành phố. Các loại hình tôn giáo mới đó là Ngọc Phật Hồ Chí Minh với khoảng 160 người tham gia, Năng lượng gốc trống đồng Việt Nam với 23 người, Hội Thánh của đức Chúa trời mẹ với 16 người, Thiền Sant Mat với 7 người, Pháp môn Diệu Âm với 6 người, Long Hoa Di Lặc 3 người, Sứ điệp trời 3 người, Nhất Quán đạo 1 người, Hoàng Thiên Long 1 người.
Ngoài 8 loại hình hiện tượng tôn giáo trái pháp luật trên, hiện nay không ít người trong đó có thanh niên tham gia tổ chức hoạt động của Pháp Luân công. Đây là tổ chức có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam thông qua những sinh viên du học, Việt kiều, khách du lịch từ Mỹ, Đài Loan nhập cảnh vào Việt Nam và thông qua các phương tiện truyền thông, Internet. Pháp Luân công mang nhiều màu sắc phản động, tiềm ẩn nguy cơ làm mất ổn định an ninh trật tự, đảo lộn kỷ cương xã hội của nhiều quốc gia.
Tại Ninh Bình, Pháp Luân công bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 2013, đến nay đã thu hút gần 200 người tham gia tập luyện. Điều đáng lo ngại là thời gian gần đây, các đối tượng thường tập trung tuyên truyền ở các khu du lịch nổi tiếng, nơi có nhiều người qua lại như chùa Bái Đính, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, Phố cổ Hoa Lư… tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và an ninh trật tự, an toàn tại các khu du lịch nói chung.
Theo đồng chí Mai Xuân Thủy, Phó trưởng Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, Dân tộc và Tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, nhìn chung, các tổ chức này đều có những nhận diện như mang tính cực đoan, phản văn hóa, phản khoa học, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Ví dụ không thờ cúng tổ tiên, ông bà, đập bỏ bát hương gia tiên, không dùng thuốc chữa bệnh, không khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế khi ốm đau, bệnh tật… Về người khởi xướng, đại đa số là phụ nữ có trình độ văn hóa không cao, ốm đau bệnh tật hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, biểu hiện tâm lý không bình thường.
Hiện nay, tỷ lệ thanh niên tham gia vào các hoạt động tôn giáo đang gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Các tổ chức như Hội Thánh của đức Chúa trời mẹ, Sứ điệp trời phần đa là thanh niên tham gia, khởi xướng. Lợi dụng các nền tảng xã hội, các tổ chức này đang tìm mọi cách lôi kéo, dụ dỗ thanh niên trên địa bàn tỉnh tham gia.
Chính vì vậy, việc nhận diện đúng đắn các “tà đạo”, “đạo lạ” là yêu cầu rất cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức cho mỗi thanh niên. Qua đó giúp thanh niên hiểu rõ đâu là chính đạo, không để bị dụ dỗ, kích động hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, khi có nhận thức đúng đắn, thanh niên sẽ là lực lượng quan trọng trong việc tuyên truyền, phát hiện, giúp đỡ người thân, gia đình, hàng xóm phân biệt, tránh xa các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, lợi dụng tôn giáo gây mất an ninh trật tự.
Theo đại diện Tỉnh đoàn Ninh Bình, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo, Tỉnh đoàn Ninh Bình đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn.
Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao kiến thức, hiểu biết cho cán bộ và đoàn viên, thanh niên; tăng cường công tác giáo dục lối sống văn hóa, đấu tranh loại trừ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ngăn chặn những văn hóa phẩm đồi trụy, phản động làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh niên dân tộc, thanh niên tín đồ tôn giáo.
Đồng thời, phân công cán bộ cốt cán thường xuyên bám sát địa bàn, khảo sát, nắm bắt diễn biến, tình hình và tư tưởng của thanh niên để từ đó kịp thời động viên, phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện thiếu văn minh hoặc lợi dụng chính sách tôn giáo. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tham gia các công trình, phần việc thiết thực nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người dân như phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng, tài trợ dụng cụ thể thao tại các nhà văn hóa thôn, xóm. Qua đó giúp người dân sống vui, sống khỏe, tránh xa các hủ tục, mê tín dị đoan.
Thời gian qua, sự xuất hiện những “tà đạo” đội lốt tôn giáo đã xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập, mở cửa, các tôn giáo đều đẩy mạnh hoạt động truyền giáo; bên cạnh đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước và người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống, làm việc gia tăng, vì vậy sẽ có nhiều hệ phái, tổ chức tôn giáo mới ở nước ngoài truyền bá vào Việt Nam. Trong khi đó, các tổ chức tôn giáo tăng cường truyền đạo xuyên biên giới, thông qua mạng Internet để đào tạo chức sắc, thuyết giảng không cần địa điểm và không xin phép… Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo cho thế hệ trẻ là việc làm hết sức cần thiết, góp phần củng cố kiến thức, lý tưởng đẹp đẽ cho thanh niên, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, phát triển.
Bài, ảnh: Hoàng Bách
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/nang-cao-canh-giac-cho-thanh-nien-truoc-ta-dao-dao-la-/d20240701142555810.htm