Những tia nắng sớm xiên qua đỉnh núi đá vôi, thấp thoáng xa xa trên dòng sông Ngô Đồng là vài chiếc thuyền vàng ươm màu lúa. Vậy là một mùa vui nữa lại về với bà con quê hương Tam Cốc.
Hơn 2 giờ sáng khi màn đêm còn chìm trong tĩnh mịch. Trong con ngõ nhỏ thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải vẳng lại tiếng lạch cạch xe cộ và tiếng phụ nữ gọi nhau khẽ khàng. Hôm nay mọi người sẽ gặt đổi công trên cánh đồng của cô Lê Thị Dư, thôn Văn Lâm.
Gần 40 phút xuôi thuyền trên dòng sông Ngô Đồng, nhóm phụ nữ đã đến được cánh đồng của gia đình cô Dư. Trời lúc này vẫn chưa tỏ mặt người, các cô thoăn thoắt neo thuyền, tay cầm liềm, chân đi ủng và đội đèn pin để chuẩn bị thu hoạch lúa.
Cô Lê Thị Dư cho biết: “Chúng tôi phải tranh thủ đi từ đêm để khi mặt trời vừa lên khỏi đỉnh núi là có lúa kéo về. Đi sớm vừa đỡ mất sức mà còn kịp về chở khách. Dịp này đang là thời điểm Tuần Du lịch nên Tam Cốc đón nhiều khách, hầu như ngày nào tôi cũng có chuyến đò”.
Nhà cô Dư vốn neo người, các con lại đi làm xa nên ngày mùa cô Dư đổi công với chị em trong thôn. Làm như vậy vừa vui, chị em trong thôn đoàn kết mà gặt lúa cũng nhanh chóng, gọn gàng hơn. Cô Dư bảo, 4 người phụ nữ mà đi gặt từ 3 giờ thì trong một buổi sáng sẽ cắt xong hơn 2 sào lúa.
Theo người dân địa phương, nghề trồng lúa ở đây đã có từ rất lâu. Trải qua bao năm tháng, người dân vẫn gìn giữ và chăm sóc cánh đồng tươi tốt. Đặc biệt những năm gần đây, cánh đồng trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong nước và quốc tế.
Thời điểm đẹp nhất của cánh đồng chính là giai đoạn cuối tháng 5, đầu tháng 6 khi hương lúa thơm thoang thoảng, đó là khi Tam Cốc khoác lên mình màu vàng ruộm của lúa chín bên dòng sông Ngô Đồng quanh co giữa những ngọn núi đá vôi. Đây cũng là thời điểm diễn ra Tuần Du lịch Ninh Bình hàng năm.
Ông Vũ Văn Bính, thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải cho biết: “Trồng và thu hoạch lúa ở Tam Cốc rất vất vả bởi lúa trồng ở trong thung, mọi thứ đều phải làm thủ công. Mỗi lần thu hoạch chúng tôi phải ngâm mình trong nước sâu, đi lại đều bằng thuyền. Hôm nào nước cạn thuyền không vào được giữa ruộng thì phải chất lên bạt, 2-3 người đàn ông mới kéo ra được đầu bờ. Chưa kể đi gặt từ đêm chuyện gặp rắn rết cũng không có gì lạ…”
Năm nay lúa ở Tam Cốc chín vàng, bông nào cũng nặng trĩu hạt nên người dân ai cũng vui. Ông Bính ước đoán năng suất lúa đạt khoảng 1,7 tạ/sào. “Trồng lúa vất vả, năng suất cũng chẳng đáng là bao nhưng chúng tôi không bao giờ có ý định bỏ ruộng. Bởi lúa ở Tam Cốc không chỉ cho chúng tôi hạt gạo sạch mà nơi đây còn là điểm đến cuốn hút với du khách, giúp du lịch quê hương phát triển”-ông cho hay.
Theo ông Đinh Anh Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải: Cánh đồng Tam Cốc có diện tích hơn 18 ha. Hiện bà con đang bắt đầu thu hoạch những diện tích lúa chín. Năm nay thời tiết cuối vụ khá thuận lợi nên năng suất lúa đạt khá, ước từ 1,5-2 tạ/sào. Riêng bức tranh nghệ thuật “Mục đồng thổi sáo” vẫn được giữ lại để khách tham quan, chụp ảnh. Sau khi thu hoạch xong địa phương tiếp tục vận động nhân dân chăm sóc lúa tái sinh (lúa chét) để tạo cảnh quan đẹp phục vụ du khách khi về Tam Cốc.
Cánh đồng Tam Cốc từng được chuyên trang quốc tế Business Insider bình chọn là một trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam. Sức hấp dẫn của cánh đồng lúa không chỉ là vẻ đẹp mênh mang, vàng rực màu lúa mà vào dịp này, khi bà con bắt đầu thu hoạch, cánh đồng điểm xuyết những mảng màu đen trắng nhìn như những phím đàn piano mềm mại trên nền nước xanh thăm thẳm. Đây cũng là thời điểm mà các nhiếp ảnh gia yêu thích nhất.
Tam Cốc những ngày này đẹp một cách kỳ lạ. Một vẻ đẹp vừa có sự tĩnh lặng của thiên nhiên vừa có niềm vui rộn ràng của bàn tay người lao động. Đến với Tam Cốc là đến với hương thơm lúa chín, đến với không khí ngày mùa tấp nập như đưa du khách trở về với tuổi thơ yên bình trong ký ức.
Minh Hải