Powered by Techcity

Mở ra hi vọng xác định danh tính liệt sĩ từ Ngân hàng gen



Việc xây dựng, ra mắt “Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ” đã mở ra hi vọng xác định được danh tính cho hàng trăm nghìn ngôi mộ liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa xác định được thông tin.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngắn ở xóm 3, thôn Thượng Hòa, xã Gia Thanh (huyện Gia Viễn) qua đời năm 2023. Theo ông Bùi Hồng Lĩnh, con trai của mẹ Ngắn, thì niềm đau đáu cuối cùng của mẹ, đó là vẫn chưa tìm được hài cốt của hai con trai là liệt sĩ Bùi Trí Thái và Bùi Trí Sơn. 

“Chiến tranh đã đi qua ngót nửa thế kỷ. Các anh trai tôi đã yên nghỉ ở một nơi nào đó trên dải đất Việt Nam này. Điều mà bố mẹ, rồi đến chúng tôi day dứt mãi đó là đến giờ vẫn chưa từng được thắp nhang lên mộ phần của các anh… Mới đây, trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết đến sự kiện ra mắt ngân hàng “Gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ”. Gia đình tôi nói riêng, những thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính nói chung sẽ có thêm niềm hi vọng được tìm thấy cha, anh của mình. Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng để việc triển khai lấy mẫu ADN được thuận lợi, chính xác và hiệu quả nhất”- ông Lĩnh nói.

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh ta có gần 17 nghìn liệt sĩ đã hi sinh ở trên các mặt trận. Trong đó, có hàng ngàn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính. Hiện nay, toàn tỉnh có 47 nghĩa trang liệt sỹ là nơi an nghỉ của trên 8 nghìn liệt sĩ. Trong đó, trên 3 nghìn mộ có thông tin, có trên 1.800 mộ có một phần thông tin và trên 3 nghìn mộ không có thông tin. Số liệu này hiện nay đã được cập nhật trên cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ của Chính phủ công bố trên trang thongtinlietsi.gov.vn.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung triển khai công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Trong đó, nổi bật là việc triển khai có hiệu quả Đề án 1237 về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án 150 về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150). Qua quá trình triển khai thực hiện, đến nay, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, mở ra nhiều hướng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hiệu quả, trong đó việc huy động sức mạnh xã hội góp phần quan trọng trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. 

Theo đó, trong giai đoạn 2013-2020, Ban chỉ đạo 515 của tỉnh (Ban Chỉ đạo về công tác tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ cấp tỉnh) đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện các Đề án đảm bảo tiến độ, chất lượng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ được thực hiện thống nhất, đồng bộ, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. 

Với sự phối hợp chặt chẽ, triển khai tích cực, đồng bộ và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ , cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 515 tỉnh cùng với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã tiếp nhận gần 10 nghìn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, do các tổ chức, cá nhân cung cấp; cung cấp thông tin cho 3.764 trường hợp, trong đó tư vấn trực tiếp 486 lượt, tư vấn qua điện thoại 632 lượt, thông báo danh sách liệt sĩ 2.646 người có đầy đủ thông tin theo quản lý ban đầu về liệt sĩ. Tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị tổ chức hoàn thiện thủ tục đề nghị giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; đã tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục cho 28 thân nhân lấy mẫu giám định ADN… 

Mở ra hi vọng xác định danh tính liệt sĩ từ Ngân hàng gen
Chị Nguyễn Thị Kim Nhung (phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình) được đón bố là liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng  trở về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà sau 48 năm gia đình chờ đợi, tìm kiếm.

 

Ông Dương Viết Yên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Một trong những trăn trở lớn nhất đối với những người làm công tác Lao động, Thương binh và Xã hội đó là chứng kiến sự mong mỏi, chờ đợi thông tin về liệt sĩ của nhiều Bà mẹ VNAH, các gia đình liệt sĩ. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định gen cho khoảng 20 nghìn mẫu, ngày 23/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã ấn nút kích hoạt, ra mắt “Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ”. 

Đây là việc làm vô cùng có ý nghĩa. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với công nghệ xác định ADN sẽ đem lại hi vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ. 

Trong thời gian tới, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tích cực phối hợp với đơn vị chủ trì là Công an tỉnh để thực hiện một số nội dung như: Hướng dẫn Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện, xã phối hợp với Công an huyện, thành phố và Công an xã, thị trấn trong việc khảo sát, thu thập thông tin và xác định thông tin liên quan đến thân nhân liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp trong Phiếu khảo sát Thông tin liệt sĩ đã xác định thông tin phần mộ và người hưởng trợ cấp của liệt sĩ và Phiếu khảo sát Thông tin liệt sĩ chưa xác định được phần mộ và thân nhân.

Đồng thời, thực hiện quy trình số 3936/NCC-QLHC ngày 8/6/2023 của Cục Người có công và Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội về việc thực hiện rà soát, đối chiếu làm sạch dữ liệu và nhập dữ liệu người có công trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện đối chiếu, kiểm tra, rà soát các đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng của liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin trên địa bàn tỉnh… 

Đào Hằng – Minh Quang





Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/mo-ra-hi-vong-xac-dinh-danh-tinh-liet-si-tu-ngan-hang-gen-/d20240812080937259.htm

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Cảnh nước cuồn cuộn chảy xiết tại các con sông gần Hà Nội

Các con sông ở Hà Nội và sông ở tỉnh lân cận có nguồn kết nối với Hà Nội đều đang trong cảnh nước chảy xiết từ thượng nguồn đổ về, có nguy cơ lên tới mức báo động 3. Mực nước tại sông Hồng (bên phải) và sông Đuống địa phận Thủ đô đang mỗi lúc một lên cao. Hình ảnh ghi nhận vào chiều 10/9 khi TP Hà Nội nâng mức cảnh báo lũ trên những...

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội khả năng đạt đỉnh vào trưa nay và trên báo động 2

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia vừa phát đi tin lũ đặc biệt lớn trên sông Thao, tin lũ khẩn cấp trên sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Hoàng Long, tin lũ trên sông Thái Bình, sông Lục Nam và sông Hồng. Cụ thể, lũ trên sông Thao tại Yên Bái đang xuống nhưng vẫn ở trên mức nước lũ lịch sử năm 1968 (34,42m); tại Phú Thọ đang biến đổi chậm. Lũ trên sông Lô...

Cùng chuyên mục

Giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế văn hóa xã hội của Ninh Bình

Kinh thành Hoa Lư-một di sản mang giá trị xuyên thế kỷTại Hội thảo khoa học "Đinh Tiên Hoàng-Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc", PGS.TS Tống Trung Tín, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã khẳng...

Tin nổi bật

Tin mới nhất