Nhà khang trang – Tết thêm rộn ràng
Mấy chục năm làm vợ, làm mẹ, chăm lo cho gia đình biết bao cái Tết, nhưng năm nay là lần đầu tiên bà Hoàng Thị Ngoan ở xã Như Hòa (huyện Kim Sơn) mới có được cảm giác ấm áp khi tự tay lau dọn, bài trí cho ngôi nhà nhỏ. Ngôi nhà mới xây còn thơm mùi vữa là ước mơ mà cả cuộc đời bà cũng không dám tin có ngày sẽ trở thành hiện thực.
Bà Ngoan xúc động: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Các con lập gia đình, có cuộc sống riêng nhưng vì hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nên việc hỗ trợ bố mẹ vẫn còn có mức độ. Ngoài chăm sóc chồng bị tai biến, tôi còn nuôi dưỡng, chăm sóc 3 đứa cháu nội mồ côi trong ngôi nhà đã xuống cấp từ nhiều năm. Năm 2023, gia đình bà tôi thuộc diện được hỗ trợ xây mới nhà ở theo Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh. Ngôi nhà được hoàn thiện trước khi mùa xuân mới về, tôi và các con, cháu dọn dẹp, chỉnh trang ngôi nhà mới với một cảm xúc thật hạnh phúc, xúc động. Đồ đạc tuy đơn sơ, nhưng với tôi đây là một ngôi nhà đẹp nhất. Ngoài ra, gia đình tôi còn được nhận quà của Trung ương, của tỉnh, của các nhà hảo tâm, vì vậy cũng có thêm điều kiện để chuẩn bị vui Xuân đón Tết vui tươi và thêm đủ đầy.
Những năm qua, hỗ trợ người nghèo là một chính sách đậm nhân văn, được tỉnh ta quan tâm thực hiện xuyên suốt. Ở mỗi giai đoạn, tỉnh ta đã xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù, có diện bao phủ rộng, tạo động lực để các đối tượng vươn lên như: hỗ trợ vốn vay, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ; xuất khẩu lao động; du học nghề; nâng mức trợ cấp nuôi dưỡng cho các đối tượng trong cơ sở Bảo trợ xã hội…
Riêng trong năm 2023, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 102/2023/NQHĐND ngày 12/7/2023 quy định chính sách điều dưỡng phục hồi chức năng tập trung cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh về hỗ trợ đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 7,8 tỷ đồng.
Đặc biệt, tỉnh ta cũng đã ban hành một nghị quyết tiêu biểu đối với người nghèo trong năm 2023, chính là Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về công tác xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo. Thực hiện Nghị quyết này, đã có 495 ngôi nhà được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm 2023… nhờ đó, người nghèo có thêm nguồn lực, động lực để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2023, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh còn 5.905 hộ nghèo, bằng 1,86% (giảm 0,5% so với năm 2022); 7.207 hộ cận nghèo, bằng 2,27% (giảm 0,54% so với năm 2022).
Dẫu vậy, trên thực tế vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn rất cần có sự quan tâm, chia sẻ, nhất là mỗi độ Tết đến, Xuân về. Với mục tiêu đảm bảo không để một hộ nghèo nào không có Tết, ngay từ cuối năm 2023, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành, đoàn thể tập trung mọi nguồn lực, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức cùng chung tay chăm lo Tết cho người nghèo.
Năm nay, tỉnh ta đã trích kinh phí hàng chục tỷ đồng để tặng quà cho người có công; người nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đón Tết. Trong đó, 50 hộ nghèo khó khăn đột xuất với mức quà và tiền mặt là 2,5 triệu đồng/hộ; hỗ trợ hộ nghèo với mức 500 nghìn đồng/hộ và 400 nghìn đồng/hộ cận nghèo. Cùng với đó, tỉnh ta còn dành nguồn kinh phí lớn khác để hỗ trợ các đối tượng như: Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội, Trung tâm phục hồi tâm thần Yên Mô, Trường Giáo dưỡng số 2; Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình… Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các địa phương cũng chủ động thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho người có công, người nghèo.
Gắn kết cộng đồng-lan tỏa mùa xuân nhân ái
Cùng với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, đã thành nét đẹp truyền thống, mỗi độ Tết đến, Xuân về cũng là dịp được chứng kiến nhiều hành động đẹp, ấm áp nghĩa tình của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Cụ Nguyễn Thị Phấn, 83 tuổi ở Yên Thành (Yên Mô), chồng mất từ khi cụ mới 45 tuổi, cụ ở vậy nuôi 3 đứa con khôn lớn. Các con lớn, lập gia đình và có cuộc sống riêng từ rất nhiều năm nay, cụ Phấn ở một mình trong ngôi nhà nhiều kỷ niệm. Cụ không ở với con cháu vì sợ người già, nếp sinh hoạt làm ảnh hưởng tới các con, cháu, chắt. Giáp Tết, cụ Phấn được nhận quà tặng từ Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) trao tặng.
Cầm túi quà trong tay, cụ Phấn xúc động: Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người nghèo như tôi lại nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành và nhà hảo tâm. Những món quà này có ý nghĩa lớn với tôi. Chỗ bánh kẹo này tôi để thắp hương tổ tiên, còn khoản tiền này tôi sẽ mua sắm những thực phẩm cho ngày Tết sắp tới. Già rồi, tôi ăn uống chẳng còn đáng là bao, nhưng vẫn chuẩn bị cho tươm tất mâm cơm ngày Tết.
Những năm qua, công tác thăm hỏi, tặng quà đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong các ngày lễ, Tết luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm. Quỹ Thiện Tâm là một trong những đơn vị tích cực đồng hành, duy trì các hoạt động tặng quà Tết Nguyên đán cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh ta.
Ông Trần Văn Mạnh, đại diện Quỹ Thiện Tâm cho biết: Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Quỹ Thiện Tâm dành tặng trên 15 nghìn suất quà cho các địa phương trong cả nước, trong đó riêng ở tỉnh Ninh Bình là 1.100 suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. “Lắng nghe chuyện kể về những chông gai mà người nghèo đã đi qua, tôi thực sự rất xúc động. Có nhiều gia đình bị cái nghèo đeo bám, là do ốm đau, bệnh tật. Tôi cũng nhìn thấy ở họ một khát vọng vươn lên mãnh liệt.
Những món quà này không có giá trị nhiều về vật chất, nhưng thể hiện tình cảm, sự trân trọng và lời động viên dành tới họ. Hi vọng rằng họ sẽ vươn lên, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững trong năm mới này”- ông Trần Văn Mạnh, đại diện Quỹ Thiện Tâm nói.
Chương trình “Tết Nhân ái” được kế thừa từ phong trào “Tết vì người nghèo và Nạn nhân chất độc da cam” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999. Đây là chương trình rất ý nghĩa, đậm nhân văn và có sức lan tỏa rộng khắp. Sau hơn 20 năm triển khai phong trào, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã vận động ủng hộ hàng vạn suất quà cho người nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách… Tính riêng trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã phối hợp với các nhà hảo tâm tặng hơn 10 nghìn suất quà tết với tổng giá trị gần 6 tỷ đồng.
Phong trào “Tết Nhân ái” năm 2024 phấn đấu vận động các nguồn lực để trao tặng 8 nghìn suất quà cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trong đó giá trị suất quà tối thiểu từ 300 nghìn đồng trở lên. Để hoàn thành được mục tiêu này, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong hình thức vận động, qua đó lan tỏa được tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng dân cư.
Căn cứ vào điều kiện thực tế ở các địa phương để huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tổ chức các hoạt động như: tổ chức các mô hình “Hội chợ-Tặng quà-Vui Tết” nhằm trợ giúp về vật chất, tinh thần để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui Xuân, đón Tết; tặng quà và chúc Tết; tổ chức “Chợ Tết Nhân ái” thực hiện theo hướng dẫn mô hình “Chợ Nhân đạo” của Trung ương Hội, đảm bảo tính đa dạng của hàng hóa với các nhóm: Nhu yếu phẩm, thực phẩm, bánh, kẹo…; tổ chức Chương trình “Vui Tết cùng người bệnh” với nội dung tặng bữa cơm ngày Tết, mừng tuổi cho người bệnh; hỗ trợ sơn sửa, dọn, trang hoàng nhà cửa…, góp phần hỗ trợ người khó khăn, yếu thế đón Tết vui Xuân.
Đào Hằng