Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), ngoài việc quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống, kinh tế dân sinh, để mỗi làng quê ngày càng khang trang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Sơn đã nỗ lực bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, lưu giữ hồn quê.
Đến làng Lạc Thiện, xã Quang Thiện vào một ngày đầu đông, chúng tôi ấn tượng bởi cảnh quan khang trang, sạch đẹp nơi đây. Cổng làng nghiêm trang, cổ kính, cây xanh rợp bóng mang lại cảm giác thật yên bình. Trên các tuyến đường, các loại hoa đang đua nhau khoe sắc, màu vàng của hoa sam, sắc đỏ của mười giờ… Trong khuôn viên của nhiều hộ gia đình vẫn còn lưu giữ được hàng cau, ao cá, vườn cây ăn quả tốt tươi.
Ông Phạn Thanh Ngọ, Phó Ban Khánh tiết làng Lạc Thiện chia sẻ: Trong quá trình thực hiện các tiêu chí NTM, chúng tôi luôn cố gắng lưu lại những giá trị truyền thống của làng quê. Các di tích lịch sử, các lễ hội truyền thống, trò chơi dân dân gian được người dân trong làng duy trì, gìn giữ.
Hàng năm từ ngày 12-14/11 âm lịch, bà con cùng tham gia tổ chức lễ hội truyền thống Đền thờ Nguyễn Công Trứ để ghi nhớ công ơn của Dinh điền sứ – người đã chiêu dân khai hoang lấn biển lập ra huyện Kim Sơn ngày 5/4/1829. Qua các hoạt động này, tính cố kết cộng đồng, tình đoàn kết xóm, làng được củng cố. Người dân thực hiện nghiêm túc các hương ước, quy ước của làng; những hủ tục lạc hậu trong việc hiếu, việc hỷ dần được xóa bỏ, nhân dân tích cực thực hiện nếp sống văn hóa mới, tiết kiệm, văn minh…
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phạm Xuân Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thiện cho biết: Việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đã thành thói quen, hàng tuần bà con trong thôn, trong xã bảo nhau dọn vệ sinh, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh ở các trục đường. Hiện tại, 100% tuyến đường giao thông trong xã đều được trồng các loại hoa, cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở các xóm cũng rất nhộn nhịp. Tất cả 16/16 xóm của xã đều có các câu lạc bộ dân vũ. Cứ sau giờ tan học, hết giờ làm việc, nhà văn hóa là nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, người tập dưỡng sinh, chơi cờ, tập dân vũ, bóng bàn, bóng chuyền hơi; thanh, thiếu niên đá bóng, đánh cầu lông…
Xác định xây dựng nông thôn mới không có nghĩa là thành thị hóa nông thôn mà phải giữ được “hồn” quê, chính vì vậy, trong những năm qua, bên cạnh việc quan tâm lãnh đạo phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng.., huyện Kim Sơn đặc biệt chú trọng chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa nông thôn mới an toàn, lành mạnh, con người Kim Sơn văn minh, thân thiện; tích cực bảo tồn những cảnh quan, kiến trúc, văn hóa mang đậm truyền thống quê hương.
Trên địa bàn huyện đang bảo tồn, lưu giữ 169 di tích văn hóa, trong đó có 6 di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, 33 di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh. Công tác bảo tồn, khôi phục, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống luôn được quan tâm như: Hát Chèo, hát Văn, Ca trù, hát Xẩm… Cấp huyện có 3 câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống, 1 câu lạc bộ thơ, 1 câu lạc bộ tuyên truyền các ca khúc cách mạng. Cấp xã có 23 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ; 137 đội văn nghệ ở các thôn, xóm hoạt động có hiệu quả. Phong trào thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, thôn (xóm) văn hóa, khu dân cư NTM kiểu mẫu, gia đình văn hóa được các cấp, các ngành và Nhân dân Kim Sơn quan tâm hưởng ứng.
Đến cuối năm 2021, toàn huyện đã có gần 94% thôn, xóm được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, 87% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; trên 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Thông qua phong trào, ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cũng như sự gắn bó, tình làng nghĩa xóm ở từng khu dân cư được khơi dậy và vun đắp.
Chia sẻ với phóng viên, đồng chí Phạm Văn Sang, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm tòi, mở rộng các hoạt động của ngành Văn hóa theo hướng đa dạng, hướng về cơ sở để có thêm nhiều loại hình hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu và thu hút được sự tham gia của nhân dân địa phương. Tất cả nhằm tạo nên bức tranh văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc quê hương Kim Sơn, song hành với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Hà Phương