Nghi lễ hàng ngàn năm của Phật giáo
Đại đức Thích Thanh Đông, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Trụ trì chùa Non Nước cho biết, theo như Phật sử, ngày lễ Vu Lan có từ thời Đức Phật còn tại thế. Trong kinh Vu Lan Bồn nói rằng, Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong rất nhiều đệ tử của Đức Phật, với quả vị Thần thông đệ nhất, Tôn giả được dự vào hàng mười vị đệ tử lớn của Đức Phật. Khi chưa xuất gia Ngài tên là La Bốc, con trai ông Phó Tướng và bà Thanh Đề. Bà Thanh Đề là người không có tâm kính tín Tam Bảo, luôn làm những điều trái với lương tâm gây nhiều khổ đau cho người khác. Sau khi mất đi, bà bị đọa xuống Địa ngục chịu nhiều đau khổ. La Bốc giữ trọn hạnh hiếu với mẹ ba năm đầy đủ. Ngài liền xuất gia làm đệ tử Đức Phật.
Sau khi xuất gia, Ngài tu chứng được Thần thông, nghĩ đến công ơn cha mẹ. Ngài dùng thần thông lên các cõi trời tìm mẹ, nhưng không tìm được, về bạch Phật, Phật liền nói mẹ ông khi sinh tiền làm nhiều điều ác, nên chết phải đọa xuống địa ngục chịu nhiều cực hình. Mục Liên liền tìm xuống địa ngục tìm mẹ, đi qua các ngục, Ngài thấy rất nhiều cảnh khổ của chúng sinh phải chịu nơi địa ngục. Đến một ngục Ngài không vào được, bèn trở về bạch Phật, Phật nói mẹ ông chính ở trong đó, ông muốn vào thì phải dùng gậy và áo của ta mới có thể vào được.
Được Phật cho phép ngài tìm xuống nơi ngục kia rồi được gặp mẹ, mừng mừng tủi tủi nói chuyện với nhau chưa được bao lâu thì ngục chúa bắt Thanh Đề đưa đi chịu tội, trước khi phải đi thì bà Thanh Đề nói Mục Liên về cầu Phật cứu bà. Mục Liên theo đó về cầu Phật cứu mẹ, Phật đã từ bi chỉ cho Mục Liên biết tới ngày rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của Chư Tăng sau 3 tháng an cư kết hạ, nên thành tâm thiết lễ cúng dàng Chư Tăng và nhờ thần lực của Chư Tăng hồi hướng cho bà Thanh Đề. Được sự gia trì của Chư Tăng mà bà Thanh Đề thoát khỏi cảnh khổ, sinh lên cảnh giới an lành. Đức Mục Liên bạch Phật có thể lấy pháp này để báo đáp công ơn cho cha mẹ cửu huyền thất tổ được chăng? Đức Phật cho phép phương tiện dùng để báo đáp công ơn cha mẹ. Lễ Vu Lan báo hiếu có từ đó vậy.
Từ câu chuyện đáng kính về Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ, lễ Vu Lan đã trở thành dịp để tưởng nhớ công ơn và thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và tổ tiên trong kiếp này và các kiếp trước. Ngoài ý nghĩa tôn giáo, lễ Vu Lan còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở mỗi người về cội nguồn dân tộc, truyền thống hiếu đạo, tôn kính tổ tiên.
Vào mỗi mùa Vu Lan, các nhà chùa trên địa bàn tỉnh ta thường tổ chức các hoạt động như: Thuyết giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan, tổ chức văn nghệ Vu Lan, nghi thức bông hồng cài áo, phát quà từ thiện, tổ chức phóng sinh, tụng kinh cầu siêu hồi hướng cho cha mẹ, Cửu huyền thất tổ… Những gia đình không có điều kiện đến Chùa, thì tự tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu tại nhà. Mọi người cùng sum họp, thắp nén hương thơm tưởng nhớ người đã khuất, cùng cầu nguyện cho cha mẹ, người thân và những người anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì sự bình yên cho quê hương, đất nước.
Hiếu hạnh là cả một hành trình
Cũng theo chia sẻ của Đại đức Thích Thanh Đông, Trụ trì chùa Non Nước (thành phố Ninh Bình), Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Đức Phật dạy rằng “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Hay trong kinh Nhẫn Nhục, Đức Phật cũng dạy: “Tột cùng của điều thiện là hiếu, tột cùng của điều ác là bất hiếu”. Vì vậy, chữ “hiếu” không phải chỉ thể hiện trong một mùa Vu Lan tháng Bảy, mà trong bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời, chúng ta cũng phải làm cho tốt, cho trọn vẹn bổn phận của người con. Hiếu với người tạo nên hình hài, nuôi dưỡng tâm thức, trao truyền cho mình những giá trị tốt đẹp. Đôi khi, trong cuộc sống bị cuốn đi bởi nỗi lo cơm áo, mà quên đi sự đợi chờ, lo âu của bố mẹ, thì tháng Bảy với những bông hồng cài áo sẽ là một lời nhắc nhớ mình hướng về cha mẹ nhiều hơn.
Mùa Vu Lan nào, chị Bích Hà (thành phố Ninh Bình) cũng tìm về nơi cửa Phật để tri ân, ngợi ca, tưởng niệm bậc tiền nhân, tiên tổ. Mùa Vu Lan năm nay, chị Bích Hà bảo chị rất hạnh phúc vì vẫn còn được cài lên ngực mình bông hoa hồng màu đỏ thắm – biểu tượng cho sự trọn vẹn, có đủ đầy cha mẹ. Để đáp đền ơn nghĩa sinh thành, bản thân chị luôn cố gắng sống thật tốt để bố mẹ không phải phiền lòng. Sống tích cực, chân thành và làm nhiều điều có ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, cuộc sống vốn dĩ bộn bề, nhiều thang nấc thăng trầm khiến mình đôi khi chưa trọn chữ hiếu theo ý nghĩa bình dị nhất, đó là vẫn chưa dành nhiều thời gian cận kề, quây quần bên cha mẹ.
“Thời gian không chờ đợi ai. Bố mẹ đã già đi theo năm tháng. Mùa Vu Lan nhắc tôi nhớ mình còn cha mẹ để chăm lo, báo đáp. Tôi sẽ thường xuyên về quê, sà vào lòng mẹ cha. Tôi sẽ trải chiếc chiếu hoa ra sân nhà, sẽ gối đầu lên đùi mẹ, để được mẹ vỗ về, được mẹ đưa vào giấc ngủ như thuở bé thơ, giữa ngọn gió mát rượi, giữa một vườn thơm của hương hoa cau, hoa dạ hương, hoa móng rồng… đó là mùi thơm của nguồn cội, của đấng sinh thành. Hạnh phúc lớn nhất của người làm cha mẹ có lẽ chỉ là khi được đón con trở về nhà, được ôm những đứa con vào lòng” – chị Hà nói.
Chùa Tiên, xã Hùng Tiến (huyện Kim Sơn) nằm giữa vùng quê yên ả. Nhưng khác với vẻ trầm mặc như bao ngôi chùa khác, ở đây, sau cánh cổng chùa là tiếng nô đùa, tiếng dạy nhau học bài của những đứa trẻ kém may mắn. Không phải ruột thịt, họ hàng, nhưng những đứa trẻ ấy đã thân thiết, gắn bó như người thân trong một mái nhà hạnh phúc.
Sư cô Thích Đàm Quy, Trụ trì chùa Tiên cho biết, ngoài thực hiện các hoạt động ý nghĩa, quen thuộc trong mùa Vu Lan như: Thuyết giảng ý nghĩa lễ Vu Lan; tụng kinh; phóng sinh, tặng quà cho người khó khăn… nhà chùa còn thường xuyên lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái” đến các phật tử thông qua những việc làm thiện nguyện, góp phần xây dựng một cộng đồng nhân ái. Hiện nay, nhà chùa đang nuôi 4 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những đứa trẻ tuy khuyết thiếu tình yêu thương của cha, của mẹ, nhưng lại vẫn đong đầy tình yêu thương của cộng đồng. Quan trọng nữa, là bọn trẻ được nuôi dưỡng lòng tư bi và sự hiếu hạnh lớn dần theo năm tháng. Chúng không có sự giận hờn, trách móc khi không được chăm sóc bởi tình yêu thương của cha mẹ.
Ni sư Thích Đàm Quy chia sẻ thêm: Khi gửi các con vào cửa Phật, hẳn cũng là bước đường cùng của các bậc làm cha mẹ. Có lẽ, họ cũng rất đau đớn khi phải xa con. Vì vậy, tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó, nếu cuộc sống tốt hơn, họ sẽ tìm về với con mình. Tôi cũng muốn nhắn nhủ tới cha mẹ các cháu – nếu họ còn sống và cả những người sắp làm bố, làm mẹ rằng hãy để con trẻ được cài lên ngực mình một bông hồng đỏ thắm- màu hoa của đủ đầy tình yêu thương của cha mẹ. Ở bất cứ đâu, bọn trẻ vẫn khát khao tình yêu thương, sự chăm bẵm của cha mẹ, muốn dựa vào cha mẹ mà nuôi dưỡng lòng hiếu hạnh.
Đào Hằng – Minh Quang
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/le-vu-lan-loi-nhac-nho-ve-long-hieu-hanh/d20240816163019352.htm