Một trong những sản phẩm được nhiều khách du lịch nước ngoài khi đến Ninh Bình quan tâm, yêu thích, đó là các sản phẩm được làm từ thêu ren truyền thống, trong đó phát triển mạnh ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Đây là nghề thủ công truyền thống đòi hỏi sự tinh xảo, kỹ thuật cao và sự tỉ mẩn, yêu thích làm nghề của các thợ thêu. Đã có một giai đoạn, nghề thêu ren không được thịnh vượng, nhưng mấy năm gần đây, nghề thêu ren được phục hồi, trở thành sản phẩm hàng hóa du lịch độc đáo và xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu khá thuận lợi.
Hiện nay, sản phẩm thêu ren của làng nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm khá đa dạng, phong phú về chủng loại, với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, từ tranh thêu trắng, thêu màu nghệ thuật đến các sản phẩm ren rua có kỹ thuật, mỹ thuật cao, được làm bởi những nghệ nhân tài hoa, yêu nghề và cần cù lao động. Trải qua bao thăng trầm, người dân Văn Lâm vẫn giữ được hồn cốt nghề truyền thống quê hương, làm ra các sản phẩm độc đáo, đặc trưng mà ít nơi nào sánh được.
Em Trần Thị Vân Anh, học sinh lớp 8, Trường THCS Ninh Hải (Hoa Lư) cho biết: Khi lớn lên em đã thấy bà và mẹ luôn thêu thùa vào thời gian rảnh rỗi. Nhìn những sản phẩm thêu ren đẹp từ đường kim, mũi chỉ, màu sắc rực rỡấy, em đã yêu thích và học hỏi từ bà, từ mẹ để có thể tự thêu cho mình những bông hoa, những con vật xinh xinh cài lên áo, túi xách, lên khăn, mũ… Tự hào về các sản phẩm thêu ren của quê hương, em sẽ tiếp tục học hỏi, rèn nghề để có thể thêu, ren những sản phẩm cao cấp, đẹp mắt, vừa lưu giữ nghề truyền thống, vừa có thêm thu nhập trong cuộc sống. Đặc biệt, là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng như Tam Cốc, Bích Động, Thung Nham…, mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách tới tham quan, trong đó có nhiều du khách nước ngoài, cho thấy tiềm năng về thị trường quà tặng du lịch khá phong phú.
Trước thực tế đó, những người thợ làng nghề thêu ren Văn Lâm không chỉ chú trọng đến các sản phẩm theo đơn hàng phục vụ trong nước và xuất khẩu, mà còn tập trung vào các sản phẩm nhỏ gọn hướng tới làm hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ khách du lịch. Từ các sản phẩm nhỏ xinh, đẹp mắt, tiện ích như hoa văn trang trí trên túi xách, ví cầm tay, áo váy thời trang…, cho đến các sản phẩm lớn hơn là những tấm ga, rèm trang trí, tranh thêu phong cảnh những điểm đến nổi tiếng ở Ninh Bình, với nhiều kích cỡ, hình dáng cho thấy sự tiện dụng, dễ vận chuyển, phù hợp với nhu cầu của người dân và khách du lịch.
Bà Adalenne, du khách Pháp cho biết: Tôi yêu thích nơi này không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn bởi người dân bản địa rất thân thiện, mến khách. Sản phẩm thêu ren truyền thống của làng nghề rất đẹp. Tôi được tham quan, được hướng dẫn cùng làm nghề với những người thợ. Tôi đã tự tay thiết kế và tạo ra được sản phẩm nho nhỏ làm quà tặng cho bạn bè. Họ đều rất thích thú và muốn được trải nghiệm văn hóa truyền thống ở làng nghề thêu ren Văn Lâm.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những sản phẩm từ làng nghề vẫn là nguồn vốn kinh tế và văn hóa vô giá mà các tiền nhân đã truyền lại cho đời sau. Phát huy nguồn vốn quý báu đó, ở mỗi làng nghề truyền thống hiện nay đều có những con người say mê, miệt mài lưu giữ nghề cho quê hương bằng việc thành lập các doanh nghiệp, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất và coi trọng công tác dạy nghề, truyền nghề, mang lại lợi ích không chỉ cho bản thân, gia đình mà cả cộng đồng. Trong đó, nổi bật là các làng nghề đá Ninh Vân, cói Kim Sơn, gốm Bồ Bát, nghề mộc Phúc Lộc…
Như nghề cói, hiện đã được mở rộng ra nhiều xã trên địa bàn huyện Kim Sơn, trở thành ngành nghề cho thu nhập chính của nhiều người dân, nhiều địa phương và là nguồn thu quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện. Sản phẩm cói hiện được xuất khẩu sang thị trường hàng chục nước châu Âu, châu Á, với những sản phẩm phong phú, đa dạng, như thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, mũ, túi xách, dép… là những sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.
Hàng trăm năm qua, các sản phẩm từ cói không chỉ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, mà còn là niềm tự hào khẳng định vị thế của làng nghề truyền thống Kim Sơn với các làng nghề truyền thống trong tỉnh, trong nước.
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, các làng nghề không chỉ là nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn là nơi góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần ổn định của người dân, là nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tại Ninh Bình, sản phẩm của các làng nghề được xem là một trong những nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, không chỉ phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc trưng, đồng thời còn là nguồn sinh kế cho người dân địa phương. Ngoài việc tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, có giá trị, nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng không gian trình diễn và trưng bày phù hợp để thu hút khách du lịch đến với làng nghề. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân cũng tổ chức các tour du lịch với các hoạt động tham quan, trải nghiệm làng nghề, để khi tham gia vào quá trình sản xuất, du khách được tìm hiểu quy trình trong khâu chế tác hoặc có thể khám phá những nét văn hóa truyền thống của vùng đất và con người nơi họ đến, giúp du khách không chỉ yêu thích sản phẩm mà còn trân trọng, quý mến những con người, vùng đất mà họ đến tham quan, trải nghiệm.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 250 làng nghề, trong đó có gần 60 làng nghề được công nhận danh hiệu làng nghề cấp tỉnh. Đặc biệt, Ninh Bình là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, trong đó có những nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm như thêu ren, gốm sứ, chạm khắc đá, nghề mộc… thể hiện bằng những hiện vật được khai quật khảo cổ học trong các giai đoạn lịch sử khác nhau. Nhiều hiện vật vẫn giữ nguyên nét tinh xảo, độc đáo, thể hiện sự tài ba của bàn tay và khối óc người thợ thủ công Ninh Bình.
Các làng nghề truyền thống ở các làng quê qua thời gian đều có những thăng trầm, đổi thay để hòa nhập với đời sống đương đại. Tuy nhiên, những hồn cốt, tinh túy, những giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn luôn được người dân trân trọng, giữ gìn, thể hiện niềm tự hào về tinh thần lao động, sáng tạo của cha ông, để những sản phẩm của làng nghề vừa mang giá trị truyền thống vừa góp phần lưu giữ, phát huy giá trị trong đời sống đương đại.
Bài, ảnh: Hạnh Chi