Chiếu Chèo làng Bình Hải, xã Yên Nhân (huyện Yên Mô) được thành lập từ năm 2008. Những người đầu tiên đặt nền móng cho CLB ấy, có người nay đã già, có người không còn nữa, nhưng niềm đam mê đối với môn nghệ thuật cổ thì vẫn được gìn giữ vẹn nguyên và trao truyền cho thế hệ hôm nay.
Ông Mai Trường Giang và bà Kim Ngân là hai người đầu tiên có công thành lập nên CLB hát chèo đầu tiên của huyện Yên Mô. Ông Giang kể, ở làng Bình Hải, ai cũng mê hát chèo. Thế hệ ông, rồi những thế hệ sau này đều lớn lên bằng những làn điệu chèo êm ả của bà, của mẹ, tiếng đàn sâu lắng của cha. Người dân Bình Hải mê chèo và xem đó là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Người lớn, trẻ con ít nhiều cũng có thể hát được một vài làn điệu cổ… Vào những đêm trông trăng, những buổi đi cấy, đi gặt, làn điệu chèo vẫn vang vọng trên những cánh đồng xa.
Với mong mỏi tập hợp những người mê chèo, say hát chèo để cùng nhau gìn giữ chiếu chèo quê hương, năm 2008, những người đau đáu với nghệ thuật chèo đã thành lập nên CLB hát chèo làng Bình Hải.
“Khi đã tìm được những người cùng chung niềm đam mê với chèo, chúng tôi bắt tay vào tập luyện những vở diễn chèo cổ. Đây vừa là một cách để gìn giữ chiếu chèo quê hương, phần nữa là để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ cho bà con địa phương, nhất là vào những dịp lễ, tết hay dịp làng mở hội. Lúc ấy, có khoảng 15-16 người tham gia vào CLB và tôi là chủ nhiệm, cô Kim Ngân là người truyền dạy”- ông Giang kể.
Những ngày đầu mới thành lập, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đam mê của những thành viên trong đội, họ khắc phục bằng cách sáng đi làm đồng, tối về đi tập và biểu diễn. Những nghệ sĩ làng đem lời ca, tiếng hát để cổ vũ tinh thần hăng say lao động sản xuất, khí tiết lên đường nhập ngũ của các lớp thanh niên, phục vụ những ngày lễ của dân tộc. Mặc dù ở cấp làng, nhưng CLB chèo Bình Hải được tổ chức rất bài bản: 1 đội trưởng, 1 đạo diễn, 5 nhạc công với các nhạc cụ như: sáo, đàn bầu, nhị, trống, mõ và hàng chục diễn viên.
Những vở diễn làm nên tên tuổi của gánh chèo làng Bình Hải là: Quan âm Thị Kính, Lưu Bình – Dương Lễ; Tống Trân-Cúc Hoa…; ngoài ra còn hàng chục tích chèo, trích đoạn và hàng trăm câu chèo cổ đã được kế truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Không chỉ diễn những vở chèo truyền thống, người dân nơi đây còn tự viết lên những tác phẩm cho riêng mình. Làn điệu chèo như hơi thở của cuộc sống với những câu ca mới, thể hiện tình yêu quê hương, phản ánh đời sống hiện thực của chính người dân ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, được đông đảo người xem yêu thích, tán thưởng. Đội chèo đã thực sự là một đơn vị mạnh về nghệ thuật của địa phương.
Cô Trần Thị Lừng, một thành viên của CLB cho biết: Tôi mê hát chèo từ nhỏ. Nhưng khi lập gia đình, sinh con rồi lại bận rộn công việc nhà nông nên ít khi tôi được hát và nghe mọi người hát. Bởi vậy, khi CLB chèo được thành lập, tôi là một trong những người đầu tiên đăng ký tham gia. Được tham gia hát, múa đã làm thỏa nỗi nhớ chèo của người dân Bình Hải. Chồng và các con tôi tuy không biết hát chèo nhưng cũng rất yêu chèo. Họ là cổ động viên nhiệt tình nhất của tôi.
Vài năm trước, vì tuổi đã cao, ông Mai Trường Giang trao lại nhiệm vụ dẫn dắt CLB chèo Bình Hải cho những người trẻ hơn. Năm 2022, CLB chèo Bình Hải cũng sáp nhập với một CLB chèo khác và đổi tên thành CLB hát chèo và hát xẩm Yên Nhân, có hơn 20 thành viên do ông Đỗ Văn Nguyện làm chủ nhiệm. Ông Nguyện vốn là dân làm xây dựng. Công việc tuy vất vả, nhưng ngay từ khi CLB chèo Bình Hải được thành lập vào năm 2008, ông vẫn dành thời gian rảnh rỗi để đi tập và biểu diễn cùng CLB.
“Hát chèo làm cho tâm hồn lắng dịu lại. Mọi vất vả trong cuộc mưu sinh dường như tan biến. Sau mỗi tiết mục, chúng tôi như thêm năng lượng để làm việc tốt hơn vào ngày hôm sau. Đáng mừng, là trong cuộc sống vốn vội vàng, gấp gáp, những tưởng người dân sẽ quay lưng với chèo trước sự xâm nhập mạnh mẽ của các loại hình âm nhạc hiện đại. Vậy mà ở Bình Hải, chèo vẫn được người dân nâng niu, gìn giữ. Lớp trẻ có người mới ngoài 30, nhiều gia đình có đến 2, 3 thế hệ biết hát chèo. Đặc biệt, chúng tôi còn tổ chức các lớp truyền dạy hát xẩm cho các cháu thiếu nhi trên địa bàn. Dù mới tiếp xúc với môn nghệ thuật truyền thống này, song các cháu rất đam mê”- ông Nguyện nói.
Cứ như vậy, “tre già măng mọc”, các thế hệ trao nhau gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống ấy như một vốn quý của làng. Yêu chèo đến mức, dù chẳng có bổng lộc, thù lao, thậm chí phải bỏ tiền túi ra mua nhạc cụ, trang phục, song họ vẫn say sưa ca hát trong nhiều năm qua.
Sân khấu của đội chèo chỉ là khoảnh đất trống hoặc ở sân Đình làng nhưng khán giả trong xã kéo đến chật kín. Tiếng vỗ tay cổ vũ của khán giả đã làm nức lòng, tiếp thêm nguồn sức mạnh và niềm đam mê cho người diễn. Bởi thế, mà bao đời qua, người dân Bình Hải nói riêng, xã Yên Nhân nói chung được đắm mình trong môi trường nghệ thuật truyền thống.
Những con người của ruộng đồng ấy hết giờ nhà nông là khoác lên mình tấm áo mới để say sưa ca hát, hóa thân vào những nhân vật cổ tích cho vơi đi những bộn bề, mệt nhọc. Lời chèo thắm thiết như một mạch nguồn bất tận ngấm sâu vào máu thịt, nuôi dưỡng tâm hồn cho bao thế hệ người dân nơi đây.
Đào Hằng- Minh Quang