Với tinh thần “tương thân tương ái”, phong trào “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh, nhận được sự ủng hộ tích cực của nhiều tập thể, cá nhân với mục tiêu giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Vững, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên (Hoa Lư) đến Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoa Lư để gửi tiền tiết kiệm. Bà Vững chia sẻ: Từng là hộ khó khăn, được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế rồi vươn lên có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay tôi luôn nhận thức được trách nhiệm của bản thân và gia đình trong việc chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm thiết thực. Mỗi năm, tôi đều dành dụm, tiết kiệm được một khoản tiền để gửi tiết kiệm tại hệ thống Ngân hàng CSXH. Mặc dù nhiều ngân hàng thương mại có lãi suất cao hơn nhưng tôi tin tưởng gửi tại Ngân hàng CSXH vì tính nhân văn từ những đồng vốn vay mang đậm truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc.
Tại thôn Chi Phong, hiện có 3 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó Tổ tiết kiệm và vay vốn do bà Vững làm Tổ trưởng có 53 tổ viên. 100% tổ viên đều tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm bằng cách giúp nhau xây dựng thói quen thực hành tiết kiệm hàng ngày từ việc chi tiêu, hàng tháng gửi vào tài khoản, người ít thì vài chục, người nhiều thì vài trăm nghìn đồng. Các thành viên trong Tổ giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng, cùng tương trợ, giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Hiệu quả từ hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tác động tích cực đến nhận thức, trách nhiệm của nhiều người dân thôn Chi Phong trong việc cùng chung tay giúp đỡ hộ nghèo. Hưởng ứng phong trào “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, đã có nhiều hộ trong thôn dành dụm tiền tiết kiệm để gửi tại Ngân hàng CSXH với mong muốn cùng chung tay giúp đỡ hộ nghèo. Có người gửi mức cao nhất là 120 triệu đồng.
Để bổ sung nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 8/9/2022 về việc tổ chức phong trào “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”. Thời gian qua, công tác tuyên truyền về phong trào đã được MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh nhằm tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị nêu gương thực hiện phong trào, tạo nguồn vốn cho tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xác định mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị là một tuyên truyền viên tích cực vận động các tổ chức, cá nhân cùng tham gia.
Ông Đoàn Văn Nguyên, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Ninh Bình cho biết: Để tăng cường nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, ngoài việc tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh phát động và kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân bằng hành động thiết thực, hưởng ứng phong trào “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” tại Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện phong trào, toàn tỉnh đã có hơn 3.100 tập thể, cá nhân tham gia gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH với tổng số tiền trên 450 tỷ đồng. Ninh Bình được Ngân hàng CSXH Việt Nam đánh giá là điểm sáng trong việc huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách.
Cùng cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoa Lư đi thăm các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả từ nguồn vốn vay phong trào “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Tuấn ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên. Ngắm nhìn đàn dê gần 50 con của ông Tuấn, ít ai nghĩ được đây là tài sản của một hộ cận nghèo từng gặp nhiều khó khăn từ vài năm trước.
Ông Tuấn chia sẻ: Dù không thuộc diện hộ nghèo nhưng gia đình tôi thực sự khó khăn trong phát triển kinh tế, vươn lên, nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Được địa phương quan tâm xét duyệt các điều kiện vay vốn, tôi đã mạnh dạn vay 2 lần với tổng số tiền là 100 triệu đồng để đầu tư mở rộng chuồng trại, phát triển đàn dê. Qua mấy năm triển khai, với các kỹ thuật, kiến thức được tập huấn, gia đình tôi đã thành công trong việc duy trì và phát triển mô hình nuôi dê. Đàn dê đã giúp gia đình tôi nâng cao thu nhập, chăm lo cho con cái ăn học, từng bước ổn định cuộc sống.
Hộ gia đình ông Bùi Văn Tuấn là một trong số hàng chục nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách trong tỉnh được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Sự chung sức, đồng lòng của các tổ chức, cá nhân trong việc cùng tạo lập nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bài, ảnh: Bùi Diệu