Năm 2024 là năm thứ 3 NgàySách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức trên địa bàn tỉnh, đã khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong các nhà trường.
Tại Trường Tiểu học Khánh Hòa (Yên Khánh), phong trào đọc sách trong giáo viên, học sinh diễn ra sôi nổi, hiệu quả. Đây là trường có thư viện được công nhận thư viện xuất sắc, 3 năm liên tiếp nhà trường có học sinh đoạt giải nhất cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cấp tỉnh.
Cô giáo Phạm Thị Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhận thức rõ tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách cho học sinh, những năm học qua nhà trường luôn quan tâm tổ chức các mô hình đọc sách như: thư viện truyền thống, thư viện xanh, thư viện thân thiện (Room to Read), thư viện cầu thang, lớp học..
Trong đó, thư viện thân thiện hiện có 3.550 cuốn sách, được lưu trữ theo kho mở, tổ chức theo mô hình thư viện Room to Read. Thư viện được bố trí ở vị trí thuận lợi để học sinh dễ tiếp cận và sử dụng, đặc biệt là đối với học sinh khuyết tật.
Để thúc đẩy và lan tỏa phong trào đọc sách trong các em học sinh, nhà trường quan tâm tổ chức nhiều hoạt động, hướng phụ huynh và học sinh tham gia đọc sách như: Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời, tuần lễ “Đọc sách cùng con” vào tháng 10 hàng năm… Các phụ huynh được tham gia đọc sách cùng con trong tiết học thư viện trên lớp, cùng con đọc sách tại thư viện. Qua các hoạt động, nhà trường đã huy động được sự ủng hộ các đầu sách từ các mạnh thường quân và phụ huynh học sinh.
Bên cạnh đó, trong thực hiện nhiệm vụ các năm học, nhà trường đều xây dựng kế hoạch bổ sung tài nguyên thông tin hàng năm đảm bảo phù hợp với chương trình giáo dục. Năm học qua, nhà trường đã bổ sung 553 bản sách trị giá khoảng 15 triệu đồng. 100% lớp học đều có từ 80-100 cuốn sách, thực hiện luân chuyển giữa các lớp để học sinh sử dụng.
Tại các mô hình thư viện của Trường Tiểu học Khánh Hòa, điều dễ nhận thấy là vào giờ ra chơi, rất đông học sinh tìm đến các góc thư viện quen thuộc để tìm đọc những cuốn sách yêu thích. Em Lê Khôi Nguyên, học sinh lớp 4B chia sẻ: Em yêu thích đọc sách tại thư viện nhà trường, bởi ở đây em tìm thêm được nhiều kiến thức về lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên. Những kiến thức từ việc đọc sách đã giúp ích rất nhiều cho em trong học tập…
Từ năm 2021 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21/4 hàng năm, phong trào đọc sách tại các trường học, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến.
Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách tại Thư viện kết hợp tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn tỉnh nhằm lan tỏa, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo môi trường đọc thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Năm 2023, Thư viện tỉnh đã tiến hành luân chuyển 54.243 cuốn sách đến 283 điểm câu lạc bộ văn hóa đọc, nhà văn hóa thôn, xóm, thư viện trường học trên địa bàn tỉnh; đã có 72.503 lượt độc giả đến đọc sách tại các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thư viện trường học ở các huyện, thành phố. Tổ chức chương trình ngoại khóa tại 79 trường học, kết hợp phục vụ tại xe thư viện lưu động cho 47.823 lượt học sinh với gần 135.000 lượt sách đến tay các em; trao tặng 2.707 cuốn sách cho các trường học và nhà văn hóa cộng đồng, tặng 1.580 phần quà cho các em học sinh tham gia chương trình ngoại khóa.
3 tháng đầu năm 2024, Thư viện tỉnh đã phục vụ 41.643 lượt bạn đọc, trong đó có 37.126 lượt bạn đọc tại các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thư viện trường học thuộc các huyện, thành phố; luân chuyển 87.368 lượt sách, báo, tạp chí; đưa xe thư viện lưu động đa phương tiện đi luân chuyển 5.100 cuốn sách đến 20 điểm trường học và phòng đọc cơ sở; tổ chức hoạt động ngoại khóa tại 7 trường học các cấp trên địa bàn tỉnh; đã phục vụ 4.250 em học sinh, luân chuyển 12.750 lượt sách đến tay các em; trao tặng 90 cuốn sách và 80 phần quà cho các em tham gia trò chơi trong chương trình…
Theo bà Lại Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh: Hướng tới Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, năm 2024, cùng với việc phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện để tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc, Thư viện tỉnh đã quan tâm tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhằm phát triển văn hóa đọc, lan tỏa tình yêu đọc sách trong các em học sinh như: tổ chức hoạt động ngoại khóa, Ngày hội văn hóa đọc, đưa xe thư viện lưu động trực tiếp đến các nhà trường… Qua đó góp phần khơi dậy và phát triển văn hóa đọc, phong trào đọc sách trong các nhà trường.
Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo môi trường đọc thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.
Đây cũng là dịp để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Qua đó phát triển văn hóa đọc, xây dựng và hình thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Bài, ảnh: Bùi Diệu