Một ngày giữa tháng 9, sau nhiều ngày mưa rả rích, tranh thủ thời tiết nắng ráo, ông Chiến cùng con rể đưa máy bay không người lái ra ruộng, pha thuốc, chạy máy nổ, lập trình bản đồ khu vực cần phun, bắt đầu phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái trên cánh đồng mẫu lớn của gia đình.
Sau khi hoàn thành các thao tác, phần việc còn lại sẽ do máy thực hiện, ông Chiến chỉ cần đứng quan sát và sử dụng điều khiển khi cần thiết. Với sự hỗ trợ của máy móc, trong một buổi chiều, ông đã phun hết gần 100 mẫu ruộng, hiệu suất cao hơn hẳn so với dùng bình phun truyền thống.
“Sử dụng máy bay không người lái giúp giảm lượng nước pha thuốc mà vẫn trải đều được bề mặt ruộng, mang lại hiệu quả cao. Máy có thể điều chỉnh bay nhanh hay chậm, cao hay thấp tùy ý người điều khiển. Trước đây, nếu áp dụng phương pháp dùng bình phun truyền thống, chúng tôi mất hơn 10 ngày mới phun xong 100 mẫu ruộng nhưng giờ chỉ cần chưa đến một ngày là hoàn thành. Với sự hỗ trợ của máy móc, sản xuất nông nghiệp đã nhàn hơn rất nhiều, nông dân chúng tôi không còn phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật”, ông Chiến chia sẻ.
Ngoài phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, quá trình sản xuất lúa gạo đều đã được ông Chiến cơ giới hóa toàn diện. Máy móc được đưa vào sử dụng ở tất cả các khâu: làm đất, làm mạ, cấy lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, cuộn rơm, phơi lúa,… giúp tiết kiệm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo.
Gia đình ông Chiến hiện canh tác 100 mẫu ruộng nhưng trung bình mỗi vụ chỉ mất khoảng 20 ngày để hoàn thành mọi công đoạn.
Ông Chiến chỉ ra những ưu việt từ mô hình trồng lúa 4.0: “Ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa, khung thời vụ được đảm bảo, tạo sự đồng đều trong quá trình chăm sóc nên lúa sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tránh được rủi ro do thời tiết, dịch bệnh, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát sau thu hoạch… Nhờ đó, năng suất lúa tăng 25% so với cách làm truyền thống”.
Người nông dân vốn quen thuộc với hình ảnh lam lũ “chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng nhờ nhanh nhạy với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông Chiến đang dần thay đổi hình ảnh ấy.
Lão nông hiện sở hữu 2 máy cấy, 3 máy gặt, 2 máy bay không người lái, 1 lò sấy lúa, đảm bảo phục vụ tất cả các quy trình canh tác.
Cái gì mới mẻ cũng có khó khăn, cản trở nhất định. Thời gian đầu, do chưa quen tiếp xúc với máy móc, ông Chiến ít nhiều bỡ ngỡ khi vận hành, thao tác. Máy nào chưa biết cách sử dụng, ông thuê người vận hành rồi học hỏi kinh nghiệm. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ông tự mày mò, tìm kiếm thông tin trên mạng rồi áp dụng vào thực tế. Dần dần các loại máy đều được ông “chinh phục”.
Để có thể áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa gạo, điều kiện tiên quyết là phải canh tác trên một cánh đồng mẫu lớn, tập trung thành vùng sản xuất quy mô. Hiểu được điều này, năm 2002, ông Chiến bắt đầu tích tụ, tập trung ruộng đất thành cánh đồng lớn để sản xuất “đồng trà, đồng giống”.
“Vì thuê lại ruộng từ nhiều hộ khác nhau nên nhiều mảnh, cốt đất cao thấp không đều, tôi phải chỉnh trang, kiến thiết lại đồng ruộng, bỏ bờ thửa không cần thiết, đắp bờ mới, cải tạo đồng đều cốt đất, san phẳng mặt ruộng, xử lý triệt để cỏ dại, chuột, ốc bươu vàng… từ đó đưa máy móc vào làm đất, gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch”, ông Chiến chia sẻ.
Từ 5 mẫu ban đầu, đến nay lão nông sở hữu 100 mẫu ruộng tập trung tại xã Ninh Khang, Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư) và xã Khánh An (huyện Yên Khánh), chuyên sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm.
Nhờ được gieo cấy trong khung thời vụ và chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa luôn ổn định. Ông Chiến liên kết với các công ty sản xuất lúa gạo để được hỗ trợ kỹ thuật, thu mua toàn bộ lúa giống, lúa thương phẩm theo hợp đồng thỏa thuận nên ông không cần lo lắng đầu ra mỗi vụ thu hoạch.
Những mảnh ruộng bỏ hoang, trồng cấy cầm chừng trước kia giờ mang lại những mùa vàng trĩu bông, ông Chiến tự tin đã có thể làm giàu và phát triển bền vững từ cây lúa.
Từ thành công này, ông dự định tiếp tục tích tụ, tập trung thêm ruộng đất, mở ruộng quy mô xuống huyện Yên Khánh và sang tỉnh Nam Định.
Tận dụng máy móc đã trang bị, ông Chiến cũng làm thêm dịch vụ làm đất, gieo cấy, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch cho người dân trong và ngoài xã, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.
Hiệu quả từ mô hình trồng lúa 4.0 của gia đình ông Trịnh Viết Chiến đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương nếu biết khai thác tốt tiềm năng đất đai và có phương thức sản xuất phù hợp.
Bài, ảnh: Hồng Minh