Là người nông dân dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Văn Ngoạn (SN 1956) ở thôn Đại Áng, xã Ninh Hòa (huyện Hoa Lư) đã biến vùng đất cấy lúa kém hiệu quả thành trang trại nuôi gà Ai Cập siêu trứng, cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.
Trước đây, gia đình ông Ngoạn kinh doanh đồ điện dân dụng nhỏ trong xã, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao. Trăn trở tìm hướng phát triển mới, ông nhận thấy nuôi gà Ai Cập siêu trứng rất có tiềm năng trong khi gia đình cũng đang có diện tích đất chưa được khai thác hiệu quả.
Vì vậy, năm 2017, ông Ngoạn mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng cải tạo đất, xây dựng trang trại nuôi gà Ai Cập lông trắng trên diện tích 400 m2. “Đây là giống gà có năng suất đẻ trứng cao, sức đề kháng và khả năng chống chịu bệnh tốt. So với các loại trứng gà khác, trứng gà Ai Cập có tỷ lệ cũng như chất lượng lòng đỏ nhiều, dinh dưỡng cao”, ông Ngoạn chia sẻ một số ưu điểm của loại gà này.
Trong khoảng 2 năm đầu vì thiếu kinh nghiệm nên trang trại của ông gặp không ít khó khăn, có thời điểm phải tiêu hủy số lượng lớn gà đẻ. Dù vậy, ông không nản lòng, bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và tìm ra hướng khắc phục. Ông tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình trong xã, trong tỉnh.
Qua 6 năm phát triển, ông Ngoạn đúc rút một số kinh nghiệm trong quá trình nuôi gà đẻ trứng. Theo ông, có 3 yếu tố người chăn nuôi cần chú trọng: khâu chọn giống, quy trình chăm sóc và thiết kế chuồng trại. Giống gà ông Ngoạn nhập về từ các công ty có uy tín tại Hà Nội, đã được nuôi hậu bị khoảng 4 tháng tuổi và bắt đầu bước vào thời kỳ sinh sản.
Quy trình chăm sóc được chủ trang trại rất quan tâm, đàn gà nhà ông được tiêm phòng đầy đủ, định kỳ. Hàng tháng, ông phối hợp cùng đơn vị thú y lấy mẫu trứng, nguồn nước để kiểm tra chất lượng từ đó điều chỉnh chế độ chăm sóc, phòng bệnh kịp thời, đảm bảo đàn gà cũng như chất lượng trứng luôn ở mức tốt nhất.
Đối với hệ thống chuồng trại, ông thiết kế thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Ngoài ra, thay vì lót chuồng bằng trấu như cách thông thường, ông Ngoạn dùng cám ủ với men vi sinh. Nhờ đó, toàn bộ phân gà thải ra được vi khuẩn phân giải, giảm thiểu công lao động vệ sinh chuồng trại.
Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đàn gà của ông phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh, cho năng suất cao. Hiện nay, với 3.000 con gà đẻ trứng, trung bình mỗi ngày, ông Ngoạn thu về 2.100 – 2.200 quả trứng. Hiện, giá bán trứng gà Ai Cập đạt 2.200 – 2.500 đồng/quả. Thị trường tiêu thụ trứng gà của gia đình ông chủ yếu là hệ thống chợ tại địa bàn huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình.
Ngoài nguồn thu từ trứng gà, sau một năm gà đẻ, người chăn nuôi có thể bán làm gà thịt. Ông Ngoạn cho biết: “Nếu được chăm sóc, quản lý tốt, tính từ lúc gà đẻ bói đến khoảng 12 – 15 tháng sẽ thải loại để nuôi lứa mới đảm bảo chất lượng trứng. Số gà thải được bán cho các cơ sở kinh doanh với giá 55.000 đồng – 60.000 đồng/kg”.
Thành công với mô hình nuôi gà Ai Cập đẻ trứng, ông Ngoạn nhiệt tình hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho những người có nhu cầu học hỏi. “Để phát triển trang trại bền vững, cần sự chăm chỉ, đầu tư nghiên cứu kỹ càng, đặc biệt không được sợ thất bại, phải quyết tâm đến cùng, có như vậy mới thành công. Cách đây hai năm, đàn gà mắc bệnh, phải tiêu hủy hàng nghìn con, dù rất buồn nhưng tôi tự nhủ không được nản chí, quyết tâm làm lại từ đầu”, ông Ngoạn nói. Thời gian tới, ông sẽ mở rộng quy mô, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để phục vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhận xét về mô hình của ông Nguyễn Văn Ngoạn, đồng chí Tống Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Hòa chia sẻ: “Ông Nguyễn Văn Ngoạn là một trong hai hội viên của xã phát triển thành công mô hình nuôi gà Ai Cập đẻ trứng. Ông là tấm gương nông dân điển hình, có tư duy nhạy bén trong việc tìm ra hướng đi mới về phát triển kinh tế gia đình và luôn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức đã tích lũy được cho các hội viên nông dân khác.
Trong quá trình xây dựng mô hình, Hội Nông dân xã đã có nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ ông Ngoạn như tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, giới thiệu, quảng bá sản phẩm,… Chúng tôi mong muốn có thể nhân rộng mô hình trên địa bàn để giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.”
Bài, ảnh: Hồng Minh