Nhờ nuôi hươu lấy nhung và bán con giống, nhiều gia đình ở xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan) đã khá lên rất nhiều.
Gia đình ông Đỗ Văn Luật, ở bản Xanh, xã Kỳ Phú hiện sở hữu đàn hươu sao gần 30 con gồm hơn chục con hươu cái sinh sản, còn lại là hươu đực nuôi lấy nhung. Cũng như nhiều gia đình tại địa phương, những năm trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng cây hoa màu và chăn nuôi trâu, bò. Nhưng do kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh còn hạn chế, nguồn cỏ và thức ăn cho trâu, bò ngày càng khan hiếm, đầu ra sản phẩm không ổn định… nên hiệu quả kinh tế không cao. Với ý chí và khát vọng vươn lên, ông Luật luôn ấp ủ tìm hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình.
Qua tìm hiểu từ đài báo, ông được biết về mô hình nuôi hươu sao lấy nhung khá hiệu quả và nhận thấy đây là cơ hội tốt để đổi hướng phát triển kinh tế. Mặc dù chi phí đầu tư con giống ban đầu cao nhưng đây là động vật dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Thế là ông mạnh dạn chuyển hướng từ nuôi trâu bò sang nuôi hươu.
Để tiết kiệm chi phí, ông cải tạo lại khu chuồng nuôi bò trước đây thành chuồng nuôi hươu, bằng cách sử dụng những thanh gỗ ngăn thành từng chuồng nhỏ, có chiều rộng khoảng 4-5m2 , cao 2-2,5m, để nuôi nhốt riêng từng con. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, mua phải con giống kém chất lượng, kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế nên nhiều lần nuôi bị thất bại. Nhưng với bản tính cần cù, vừa nuôi, vừa học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm, ông Luật đã xây dựng mô hình chăn nuôi thành công, đàn hươu của gia đình ông phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt, tổng đàn ngày càng gia tăng, cho thu hoạch nhung đều đặn.
Ông Luật chia sẻ: Hươu là động vật hoang dã nên dễ thích nghi với các điều kiện khí hậu, thức ăn chủ yếu là các loại lá cây như lá mít, lá khế, lá sung, lá xoài, cỏ voi… và các phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, cần vệ sinh chuồng trại thường xuyên để tránh nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh ngoài da cho hươu và không để hươu ăn phải thực phẩm bị nấm mốc, gây bệnh đường ruột. Giai đoạn hươu lên nhung, cần bổ sung thêm thức ăn có hàm lượng tinh bột cao để nhung đạt trọng lượng, bán được giá. Hươu đực được 3-4 năm tuổi sẽ bắt đầu cho thu hoạch nhung, cách khoảng 7-8 tháng sẽ cho thu hoạch nhung 1 lần, mỗi lần từ 500-1.000 gam/con. Mỗi kg nhung hươu tươi sau khi thu hoạch được ông Luật bán với giá 16 – 19 triệu đồng.
Ông Luật cho biết nhung hươu được coi là dược liệu quý và được người tiêu dùng ưa chuộng vì thế nhiều khách hàng tìm đến gia đình ông để đặt hàng. Ngoài nuôi hươu đực lấy nhung, ông Luật cũng nuôi hươu sinh sản và cung cấp hươu giống với giá bán từ 15-20 triệu đồng một con. Theo tính toán của ông Luật, với đàn hươu gần 30 con, vừa bán nhung, vừa bán hươu giống ra thị trường, mỗi năm cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng.
Gia đình bà Đinh Thị Mùi cũng là một trong những hộ có kinh tế khá nhờ vào mô hình nuôi hươu. Bà Đinh Thị Mùi, cùng chồng là ông Quách Văn Thanh đều là người dân tộc Mường, ở bản Xanh, xã Kỳ Phú. Những năm trước đây, kinh tế gia đình bà cũng không khá giả với nghề trồng lúa và nuôi trâu bò. Từ năm 2002, gia đình bà bắt đầu thử nghiệm nuôi một cặp hươu giống. Sau đó bà dành dụm tiền mua thêm giống, mở rộng chuồng trại.
Đến nay, mô hình của gia đình bà Mùi đã có gần 20 con, gồm cả hươu lấy nhung và hươu sinh sản. Trong quá trình chăn nuôi, bà luôn chủ động tìm hiểu thêm kiến thức thông qua sách, báo, từ những người nuôi trước và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn.
Theo bà Mùi, đối với hươu giống, cần lựa chọn con cao, khỏe, nhanh nhẹn, mắt sáng. Hươu là động vật quen sống trong môi trường tự nhiên nên khi nuôi nhốt cần phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật, cung cấp thức ăn đầy đủ, đặc biệt là không nhốt chung chuồng vì với bản tính hoang dã khi nhốt chung hươu sẽ húc nhau, gây thiệt hại. Những con hươu trong thời kỳ sinh sản và cho nhung cần được bổ sung thức ăn giàu tinh bột và củ quả tươi.
Nhờ nắm vững kỹ thuật nên gia đình bà Mùi đã xây dựng thành công mô hình nuôi hươu. Với giá bán trung bình từ 1,5 đến 2 triệu đồng/lạng nhung giúp gia đình bà có nhu nhập ổn định từ 150-200 triệu đồng/năm. Bà Mùi cho biết, thời gian tới gia đình bà sẽ tiếp tục mở rộng chuồng trại, nhân thêm giống để phát triển đàn hươu.
Từ vài hộ nuôi ban đầu, hiện nay toàn xã Kỳ Phú đã có hơn 40 hộ nuôi hươu. Đồng chí Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cho biết: Đây là mô hình chăn nuôi con đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng cây và nuôi con truyền thống. Nhận thấy lợi ích kinh tế từ mô hình này, những năm gần đây chính quyền xã Kỳ Phú đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều người dân tiếp cận với mô hình. Đồng thời ra mắt “Hợp tác xã chăn nuôi hươu sinh sản và hươu lấy nhung Kỳ Phú” với hơn 20 thành viên tham gia. Hiện nay, tổng đàn hươu của toàn xã là trên 1.000 con. Nhiều hộ gia đình đã khá lên nhờ phát triển mô hình nuôi hươu.
Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người chăn nuôi nhân rộng mô hình nhằm giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần cùng địa phương thực hiện công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Bài, ảnh: Thủy Lam