Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này tại Phiên họp thứ 30, sau đó đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này. Theo đó, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 65 điều.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với nội dung của dự thảo. Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đồng thời thích ứng nhanh với khoa học và công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia và chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế. Nội dung của dự án Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các dự án Luật trong lĩnh vực này, như: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Công nghệ thông tin…
Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tập trung phát biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo luật, như: thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; quản lý tài liệu tại Lưu trữ cơ quan và Lưu trữ lịch sử; quản lý tài liệu lưu trữ trong trường hợp cơ quan, tổ chức được tổ chức lại, giải thể, phá sản; quản lý tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt; yêu cầu của hoạt động lưu trữ tư; quyền của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư; các hoạt động lưu trữ tư; hoạt động lưu trữ phục vụ cộng đồng; mua, bán, trao đổi, hiến tặng tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt; phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư…
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Minh Ngọc