Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 19/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Dự án Luật Phòng không nhân dân. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ 12 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Thuận.
Tham gia thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Phòng không nhân dân, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí với sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Để hoàn thiện dự thảo, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát thống nhất cụm từ “quản lý tàu bay không người lái phương tiện bay siêu nhẹ”; đồng thời bổ sung thêm 1 điều về đối tượng áp dụng.
Góp ý về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.
Đại biểu cho rằng so với Luật hiện hành thì phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã bao gồm thêm hoạt động cứu nạn, cứu hộ trên cơ sở đã luật hóa Nghị định 83 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật quy định: Đối với những sự cố tai nạn thông thường xảy ra trong đời sống hàng ngày mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang thực hiện và chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự, bao gồm sự cố tai nạn cháy nổ, sập đổ nhà công trình, sạt lở đất đá có người bị mắc kẹt, tai nạn đuối nước và những sự cố tai nạn khác chưa được quy định trong các văn bản luật.
Theo đại biểu, hiện nay trong các quy định của Luật Phòng thủ dân sự, Luật Đường sắt, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng đã có những quy định cụ thể về vấn đề trên. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại phạm vi điều chỉnh của Điều 33 để tránh chồng chéo với các văn bản luật có liên quan.
Cơ bản đồng tình với những quy định liên quan đến cứu nạn, cứu hộ (chương IV), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm nội dung quy định về tin báo cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ hiện trường, điều tra nguyên nhân sự cố tai nạn làm cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận, thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng Chương trình. Đây là chương trình rất quan trọng, có nội dung rất rộng, phản ánh ở tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Các ý kiến đại biểu nhận định, Chương trình cơ bản đã đáp ứng được tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia, có tính đột phá, nhằm cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa…, góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh và là hồn cốt của dân tộc.
Ngoài ra, nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ và tương thích, khả thi giữa việc xác định các quan điểm chính sách và hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu, tổng vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, phân kỳ đầu tư, nhiệm vụ, giải pháp, các nội dung thành phần của chương trình.
Bảo đảm các nội dung đề xuất với Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư chương trình phải thực sự là những nội dung quan trọng, cấp thiết, có tính ưu tiên.
Minh Ngọc- Hương Giang
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-tai-to-ve-mot-so-du/d20240619182310704.htm