Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 21/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước.
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày, dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 7 Điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 3 Điều.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, báo cáo làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, tiếp thu ý kiến của các Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các cơ quan hữu quan theo quy định.
Điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các nội dung trọng tâm như: phạm vi điều chỉnh, kết cấu hạ tầng đường bộ, đường bộ cao tốc, hoạt động vận tải, quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ, cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.
Phát biểu ý kiến tại hội trường, các vị đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội lần này. Với trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất để hoàn thiện dự thảo Luật.
Trong đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định để đảm bảo phù hợp với Luật Biên giới Quốc gia; làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến hoạt động đường bộ; sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đảm bảo cụ thể, rõ ràng; quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông; bổ sung quy định về trách nhiệm tháo dỡ trạm thu phí đã dừng hoạt động; điều chỉnh nội dung về quy hoạch mạng lưới đường bộ; rà soát, bổ sung quy định về giải thích từ ngữ trong dự thảo luật; làm rõ khái niệm đường khác thuộc hệ thống đường giao thông nông thôn…
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 3 điều của Luật hiện hành; bổ sung 3 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các vấn đề: Làm rõ hơn hành vi cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; quy định cụ thể việc đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù; cân nhắc việc gộp các tài sản độc lập thành lô tài sản hoặc tách tài sản thành các lô tài sản khi đưa ra đấu giá; quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người giúp việc cuộc đấu giá; bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản; đề xuất không cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người bị kết án do vi phạm hoạt động đấu giá…
Sau khi nghe các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cuối phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự, bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch nước. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Thu Hà