Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tham gia góp ý tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã góp ý cụ thể về các nội dung: Về chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện; về quỹ hưu trí bổ sung; về trợ cấp hưu trí xã hội; về việc hưởng BHXH một lần…
Theo đó, đề cập đến chủ thể tham gia BHXH tự nguyện, đại biểu cho rằng: tại Khoản 4, Điều 3 của dự thảo Luật quy định “Người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên”. Với quy định này thì chỉ công dân Việt Nam mới được tham gia BHXH tự nguyện, trong khi BHXH bắt buộc chỉ cho phép những người lao động là công dân nước ngoài có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia. Điều này dẫn đến có nhiều trường hợp, công dân nước ngoài thường trú tại Việt Nam không nằm trong lưới bảo vệ của Bảo hiểm xã hội. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, cho phép công dân nước ngoài đủ điều kiện thường trú tại Việt Nam mà không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, được tham gia BHXH tự nguyện.
Về quỹ hưu trí bổ sung, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, mặc dù dự thảo Luật đã bổ sung 1 chương riêng gồm 4 điều về Bảo hiểm hưu trí bổ sung (chương VII a ), tuy nhiên còn khá sơ sài. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết hơn về bảo hiểm hưu trí bổ sung trong dự thảo Luật như quy định về: cơ chế hoạt động (tỷ lệ đóng góp; hồ sơ, thủ tục, quyền lợi, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động; kết nối với quỹ hưu trí và tử tuất trong quỹ BHXH; cơ chế chi trả, danh mục và phương thức đầu tư; cơ chế, chính sách, ưu đãi với việc thành lập quỹ này đối với khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân…); công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến quỹ hưu trí bổ sung; hoạt động đầu tư của quỹ… “Việc quy định rõ ràng về quỹ hưu trí bổ sung sẽ góp phần tăng nhận thức, tăng sự đồng thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, khuyến khích người sử dụng lao động tham gia đóng góp và thụ hưởng các quyền lợi của quỹ hưu trí bổ sung”- đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh.
Góp ý về trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định chuẩn hóa khoản 2, Điều 20 về đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trong độ tuổi 70 đến 75 là: “Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo,hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn”.Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thu thập, chuẩn hóa các số liệu chi trợ cấp hưu trí xã hội từ Ngân sách Nhà nước (NSNN), giai đoạn 5 năm 2021-2025, về tình trạng thực tế đã nhận, chưa nhận trợ cấp hưu trí xã hội để có cơ sở tính toán đầy đủ mức tăng chi NSNN, đảm bảo khả năng cân đối NSNN chi trả khi Luật có hiệu lực.
Về lựa chọn phương án quy định việc hưởng BHXH một lần (điểm đ, khoản 1, Điều 74 dự thảo Luật đưa ra hai phương án), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đưa ra quan điểm lựa chọn phương án 1. Song đề nghị cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu quy định gắn với các điều kiện chặt chẽ hơn để hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần chẳng hạn như độ tuổi (đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH); có hồ sơ hợp lệ về mục đích sử dụng hợp pháp (mục đích chủ yếu là cho các lĩnh vực thiết yếu như nhà ở, y tế, giáo dục…). Đồng thời đề nghị nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.
Ngoài ra, để hạn chế việc người lao động lựa chọn hưởng BHXH một lần, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động,đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu một số giải pháp căn cơ như: có đề án hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn trong cuộc sống như được vay vốn tín dụng bằng các cơ chế, chính sách đặc thù. Tăng nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương để tăng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, mở rộng phạm vi mức vay cho người lao động. Tăng cường truyền thông. Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm để duy trì ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động…
Bên cạnh đó, đại biểu cũng góp ý cụ thể về Điểm d, khoản 1 Điều 127 dự thảo Luật.
Trong phiên thảo luận, đã có 55 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao và thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời phân tích, làm rõ, góp ý thêm nhiều nội dung cụ thể, thiết thực.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu.
Minh Ngọc-Thanh Thủy