Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 31/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về một số dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Thuận, Quảng Bình.
Theo đó, trong phiên thảo luận, các đại biểu thảo luận về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước).
Tham gia thảo luận ở tổ, đại biểu Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đồng tình với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Đối với việc bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An, đại biểu cho rằng việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị, qua đó phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm là trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, theo đại biểu dự thảo chưa có chính sách đặc thù cho khu vực phía Tây của tỉnh Nghệ An (các địa phương giáp biên giới Lào); chưa có chính sách đặc thù cho vấn đề gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung thêm để có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực thực hiện các vấn đề này, qua đó góp phần xây dựng mối quan hệ Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, phát triển văn hóa xứ Nghệ…
Đồng tình với các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề cập trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị riêng đối với chính sách đặc thù liên thông giữa cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã đề nghị áp dụng trong cả nước nhằm tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn triển khai việc luân chuyển cán bộ hiện nay. Đối với chính sách về Khu thương mại tự do, đại biểu đề nghị cần có định hình khung cho Khu thương mại tự do và cần có cơ chế linh hoạt liên quan đến vấn đề tài chính-ngân sách cho Đà Nẵng…
Cùng tham gia thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng việc đề xuất ban hành là cần thiết, các chính sách đã bám sát và thể chế hóa Nghị quyết số 39 ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị. Đồng tình với tên gọi dự thảo Nghị quyết và quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó có 4 chính sách đề xuất mới, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng phạm vi chính sách để Quốc hội xem xét rộng, vì vậy đề nghị Chính phủ làm rõ hơn cơ sở thực tiễn, sự cần thiết, cấp bách để ban hành thêm các chính sách đề xuất mới. Đồng thời đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ hơn, cụ thể hơn cả mặt tích cực, những thách thức, nhất là các chính sách tác động đến lĩnh vực thu-chi ngân sách Nhà nước, đến nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách và đánh giá chi tiết hơn về kết quả đầu ra thực hiện chính sách. Về điều khoản thi hành, đại biểu đề nghị cần xác định thời hạn áp dụng các chính sách…
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội họp riêng để bàn về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mai Lan – Thanh Thủy