Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ 12 cùng doàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Thuận.
Tham gia góp ý về Luật Cảnh vệ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ để khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung những quy định mới để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan tiếp tục rà soát đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống quy phạm pháp luật.
Góp ý cụ thể về quy định: Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại điều 10 (Luật Cảnh vệ năm 2017)” (điểm h, khoản 3, Điều 1), theo đại biểu quy định này còn chung chung. Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu để xác định cụ thể những trường hợp nào là “cần thiết” để đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp.
Đối với quy định bổ sung nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ có nhiệm vụ: Huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND và lực lượng khác tham gia phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ. Theo đại biểu, quy định này cũng đã có trong Luật Cảnh sát cơ động. Vì vậy, đại biểu đề nghị để đảm bảo tính thống nhất giữa hai luật, đề nghị cần nghiên cứu để có quy định chặt chẽ hơn, tránh trùng chéo.
Đối với quy định về chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh chủ chốt cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: “Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết”. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, xác định rõ và hướng dẫn quy định, chi tiết hơn về những trường hợp cần thiết.
Góp ý về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhất trí cao với dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, thống nhất với các quy định hiện hành để quy định đầy đủ các đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng hỗ trợ. Theo đại biểu nên quy định cảnh sát biển là đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng hỗ trợ, qua đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu nòng nốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển.
Cùng tham gia góp ý về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình), cơ bản thống nhất với những nội dung của dự thảo Luật và báo cáo giải trình của cơ quan thẩm tra. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế cuộc sống, đại biểu cho rằng cần quy định rõ việc sở hữu và tàng trữ vũ khí, nhất là những quy định về dao và phương tiện tương tự dao làm vũ khí gây án; làm rõ những quy định về các điều cấm tặng, cho….
Minh Ngọc